top of page

Phát triển “Growth mindset” trong môi trường công sở

Đã cập nhật: 28 thg 7, 2022


Tôi đọc được bài này trên blog Heymina của Mai Hương – một cô gái trẻ Việt Nam, tốt nghiệp thạc sĩ ngành MBA và hiện đang chọn Đài Loan làm điểm dừng. Dù khá thành công trong vai trò là một là chuyên viên phát triển kinh doanh khu vực châu Á cho một tập đoàn về dược và thực phẩm bảo về sức khỏe, cô gái trẻ Mai Hương vẫn mong muốn được chia sẻ nhiều hơn những trải nghiệm bản thân thông qua viết lách. Blog Heymina từ đó ra đời, tập trung về kinh nghiệm tìm việc, cách thích nghi với môi trường làm việc ở Đài Loan. Ngoài ra, nơi đây còn có những câu chuyện đời thường, khác biệt qua góc nhìn và trải nghiệm của tác giả.
Bởi thấy bài viết có nhiều điểm tương đồng trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân nên mạn phép tác giả được đem bài về nhà mình, giới thiệu đến mọi người. Hy vọng bài viết sẽ cho bạn thêm một góc nhìn, một phương pháp để rèn luyện bản thân ngay trong công việc mỗi ngày.

Luôn ở tâm thế sẵn sàng và vui vẻ học các phần mềm công nghệ mới


Mình biết nhiều bạn có tâm lí sợ sử dụng các phần mềm quản lí, hệ thống kỹ thuật mới mà công ty yêu cầu. Tuy nhiên hiện nay, thế giới thay đổi, công nghệ phát triển như vũ bão, các doanh nghiệp ngày càng chú trọng việc chuyển đổi số, hoàn thiện hệ thống quản lí bằng công nghệ đám mây, hoặc sử dụng hệ thống tự động v.v... để nâng cao hiệu suất công việc.

Việc bạn phải làm quen với các hệ thống này là điều tất yếu, vậy nếu không thể thay đổi được hoàn cảnh (chính sách, sự thay đổi của công ty) thì mình điều chỉnh chính bản thân mình. Mình tin nếu bạn thay đổi tâm thế, chuẩn bị tâm lí ngay từ đầu thì khi phải học điều gì mới cũng sẽ rất dễ dàng và nhanh thôi.


2. Coi những sự thất bại như những thử thách tất yếu để có động lực tìm cách giải quyết và vượt qua.

Mình nghĩ là ai cũng vậy, ít nhất là vài lần gặp thất bại trong công việc. Nó có thể là lần lỡ hẹn với hợp đồng giá trị lớn, đôi khi là không làm hài lòng khách hàng, gửi sai giấy tờ v.v... Đơn giản vì chúng ra là con người, chúng ta không ai hoàn hảo và xử lý được mọi việc mà không có sai xót. Và sự thất bại đó có thể còn nhiều lí do, không chỉ do cá nhân bạn mà là do yếu tố khách quan nữa. Vì thế mình nghĩ chúng ta nên có cái nhìn bao dung cho thiếu xót nào đó của bản thân, không nên chì chiết trách móc những mặt sai đó, mà hãy bình tâm nhìn nhận, phân tích vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân, từ đó đưa ra cách khắc phục và giải quyết cho những lần tới.

Mình đã từng rất sợ thất bại, nhưng sau này mình phát hiện ra chúng ta ai cũng vậy, hoàn thiện hơn và lớn lên bằng những lỗi lầm và thất bạn.


3. Tìm người trợ giúp bất cứ khi nào khó khăn


Nhiều bạn tâm sự với mình không dám chia sẻ hoặc báo cáo với cấp trên hoặc đồng nghiệp khi gặp khó khăn vì xấu hổ, sợ mắng, v.v... Tuy nhiên, khi vấn đề không không được tháo gỡ, thậm chí chuyển biến xấu, dẫn tới thiệt hại tài sản thì chắn chắn rằng lúc đó bạn sẽ cảm thấy xấu hổ và bị mắng nhiều hơn, thậm chí bị phạt. Vậy thì quay lại vấn đề đầu, bạn muốn hỏi sự trợ giúp từ Sếp hay âm thầm bỏ qua vấn đề để sau đó chịu mắng, chịu phạt ?

Ngoài ra, mình được Sếp chia sẻ rất nhiều rằng “cấp trên ngoài chức năng phân loại, quản lí thì họ còn có nhiệm vụ hỗ trợ các thành viên của đội, nhóm đó nữa, đây là nhiệm vụ lớn và quan trọng của người làm Sếp, vì vậy đừng chần chừ nếu có khó khăn”. Vậy nên bạn đừng ngại khi để Sếp làm nhiệm vụ của mình nhé.

Hơn nữa, có những vấn đề cần phải có sự ra mặt của Sếp hoặc người đồng nghiệp đó thì sự việc mới có thể giải quyết suôn sẻ. Vậy tại sao mình lại không tìm họ để trao đổi và tìm sự hỗ trợ ? Vì suy cho cùng mục đích của chúng ta tới làm việc để giải quyết vấn đề mà.


4. Kết hợp với đồng nghiệp trên tinh thần win – win và học hỏi từ đồng nghiệp


Việc kết hợp với đồng nghiệp, đội nhóm là điều tất nhiên trong công việc. Tuy nhiên mình muốn nhấn mạnh việc kết hợp win-win, nghĩa là hợp tác trên tinh thần cùng có lợi.

Thực ra nói thì có vẻ khó hiểu nhưng khá đơn giản thôi, khi đội nhóm cùng thực hiện dự án nào đó, nếu bạn đã xong nhiệm vụ của bạn thì bạn có thể hỗ trợ đồng nghiệp khác để dự án sớm hoàn thành. Hoặc nhiệm vụ của bạn được hoàn thành thì đồng nghiệp kia mới có thể giải quyết khâu tiếp theo thì bạn nên có trách nhiệm làm xong đúng thời hạn, bàn giao chi tiết, tỉ mỉ để vấn đề được giải quyết trơn tru hiệu quả nhất.


Ngoài ra, trong công việc bạn không tránh khỏi phải nhờ tới sự giúp đỡ của đồng nghiệp, vì vậy nếu có cơ hội thì hãy chủ động giúp đỡ lại họ. Tránh việc chỉ cho đi một chiều.


Tiếp theo, khi bước vào môi trường công việc, sẽ ít thậm chí không có người đứng ra cầm tay chỉ cho bạn công việc phải xử lí thế nào, vấn đề giải quyết ra sao. Vì vậy bạn nên chủ động quan sát tác phong, nhịp điệu của đồng nghiệp khi họ giải quyết công việc. Ví dụ như cách trao đổi với khách hàng, cách nghe điện thoại, các xác định vấn đề, các phân tích góc nhìn v.v... Từ đó bạn có thể học được những điều hay và tránh những lỗi sai tương tự. Đó chính là người “thầy” quý giá nhất trong công việc đó.


5. Thiết đặt một deadline cho các nhiệm vụ của mình và quyết tâm hoàn thành nó trước khi hết hạn

Ai cũng nói tới việc đặt deadline để có động lực làm việc và không ảnh hưởng tới tiến độ công việc. Điều này có lẽ không cần bàn cãi. Tuy nhiên, để tránh những tình huống xấu xảy ra, hoặc quên deadline, không hoàn thành đúng hạn thì mình thường tự cài deadline của mình sớm hơn so với deadline được giao 1-2 ngày và ghi toàn bộ đầu mục công việc, giờ hẹn vào cuốn lịch để bàn, hoặc các app quản lí công việc. Nhất định không được chỉ đặt deadline trong đầu hay trong suy nghĩ nhé.


6. Làm quen với những ý kiến trái chiều và tiêu cực để lấy đó làm động lực để cải thiện bản thân


Mình tin là ai trong công việc cũng sẽ được nghe nhiều ý kiến trái chiều về cách mình xử lí vấn đề. Đừng vội buồn, vì theo trải nghiệm của mình thì những phản hồi thường có cả đúng hoặc sai, nếu bạn chỉ nghe qua loa và nhìn nhận một chiều thì sẽ bị mất tinh thần vì những tin xấu đó.

Nếu để học và phát triển từ những phản hồi đó thì mình thường phải lọc và xử lí thông tin như sau, các bạn có thể tham khảo chọn lọc và áp dụng nhé.

Nếu là góp ý bằng lời nói thì bạn có thể viết lại những bình luận đó ra giấy, nếu là email hoặc tin nhắn thì có thể in ra, highlight phân tích những ý chính đó. Rồi nhìn thẳng thắn vào vấn đề và đánh giá lại cách mình xử lí vấn đề đó để xác định góp ý nào là đúng, là phù hợp, từ đó phản chiếu lại bản thân, xác định nguyên nhân và tìm ra giải pháp sửa đổi. Và tất nhiên, phản hồi nào mang tính công kích thì cứ việc “ngó lơ” và không cần phải mất nhiều thời gian để bận đâu.

7. Luôn luôn tìm tòi học hỏi cách nâng cao hiệu suất công việc:


Vì cuộc sống này luôn vận chuyển và thay đổi, vấn đề cũng ngày càng trở nên phức tạp và khó khăn hơn, nhưng thời gian chúng ta vẫn chỉ có vậy, 24 tiếng một ngày. Chính vì vậy việc trải nghiệm và tìm ra cách năng cao hiệu suất công việc là điều cần thiết. Đôi khi nó đơn giản chỉ là cách mình xử lí email, viết email làm sao cho nhanh, trao đổi với khách hàng sao cho hiệu quả, dùng ứng dụng gì để quản lí thời gian và công việc cho logic và dễ hiểu hơn.


Về phần này, nếu các bạn quan tâm thì để lại bình luận nhé, mình sẽ chia sẻ cách mà cá nhân mình vẫn làm nhé.


Trên đây là cách mà mình vẫn thực hiện mỗi ngày, cách mà mình đạt được những thành quả trong công việc và được sự công nhận của cấp trên. Hi vọng bạn cũng có thể chọn lọc, tham khảo và áp dụng được cách nào đó cho mình.


Chúc các bạn làm việc hiệu quả !


Mời xem bài gốc tại đây.


Comments


Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nội dung mới sẽ được cập nhật vào thứ sáu hàng tuần. Bạn có thể chủ động quay lại xem hoặc để lại email, tôi sẽ gửi bạn thông tin khi có bài viết mới.

Tôi đã nhận được email của bạn. Cảm ơn bạn vì đã đồng ý kết nối.

bottom of page