Với người không quen viết, để tạo nên một bài vài trăm từ đó khó, viết cuốn sách vài chục ngàn từ càng khó hơn. Vậy nên, nhiều người, đặc biệt là các doanh nhân bận rộn chuyện kinh doanh, tìm đến người chấp bút để nhờ viết giùm là chuyện dễ hiểu. Tuy nhiên, nếu có một quy trình bài bản, cộng thêm một chút kiên trì, một chút quyết tâm thì doanh nhân vẫn có thể dành thời gian cho việc viết sách được.
Tôi là một người chấp bút, anh chị doanh nhân đến tìm tôi đặt hàng viết giúp cuốn sách thì đương nhiên có ích cho công việc của tôi. Nhưng thật lòng, tôi vẫn mong anh chị có thể tự lên ý tưởng, phác thảo sơ khởi cuốn sách của mình, thậm chí viết nháp được càng tốt. Để cuốn sách mang phần hồn của anh chị, phong cách của anh chị. Lúc đó, tôi xin dành phần biên tập để cuốn sách của anh chị thật chỉn chu, sạch sẽ, sẵn sàng cho việc xuất bản. Như thế, sẽ tiện cho đôi bên và tốt cho cả người đọc. Vì thế, tôi mạo muội viết ra đây cách tôi đã thực hiện những cuốn sách cho doanh nhân trước đây để anh chị tham khảo và áp dụng cho ý tưởng ra đời cuốn sách của anh chị.
Bước 1. Chọn chủ đề:
Chủ đề như kim chỉ nam để chúng ta tập trung về một hướng. Nhiều doanh nhân không bắt đầu viết sách được vì "tắt" ở bước này. Không phải vì anh chị không biết viết mà là vì anh chị có quá nhiều thứ muốn viết. Bởi hơn ai hết, doanh nhân là người từng trải. Mỗi bước đi của anh chị đều là trải nghiệm quý báu và anh chị muốn chia sẻ tất cả cho mọi người là một điều cực kỳ quý giá.
Nhưng viết một cuốn sách cũng như việc kinh doanh, khi chúng ta tập trung vào một ngách, giữ vững thị trường đó thì anh chị sẽ dễ dàng tìm thấy khách hàng của mình. Những gì không tập trung vào chủ đề của cuốn sách đầu tiên này, anh chị hãy giữ chúng ở một nơi khác để phục vụ cho cuốn sách tiếp theo. Tôi tin khi đã hoàn thành cuốn sách đầu tiên, anh chị sẽ nhanh chóng có ý tưởng cho cuốn sách thứ hai.
Khi có một chủ đề, hãy dựa vào đó để đặt tạm tên cho cuốn sách của mình. Tôi nói là tạm vì anh chị luôn có cơ hội quay lại, điều chỉnh tiêu đề sách hay hơn trong quá trình viết hoặc sau khi hoàn thành bản thảo đầu tiên.
Bước 2. Lập mục lục:
Nếu chủ đề là kim chỉ nam thì mục lục là tấm bản đồ chỉ đường để anh chị biết từng chặng phải vượt qua. Hãy lập mục lục theo một trật tự nhất định như theo không gian, theo thời gian hoặc theo luật nhân quả, cái nào nên có trước và cái nào nên có sau. Anh chị cần dành thời gian suy nghĩ thấu đáo và sắp xếp mọi thứ theo trật tự của riêng mình. Như vậy công việc tiếp theo sẽ rất nhàn nhã.
Bước 3. Đặt mục tiêu và cam kết:
Vì anh chị là người bận rộn nên việc đặt mục tiêu và cam kết thực hiện cuốn sách đầu tiên là rất cần thiết. Nó đảm bảo cho anh chị không bỏ cuộc giữa chừng. Anh chị chỉ cần nhìn lại trong một ngày hay một tuần, khoảng thời gian nào anh chị có thể viết sách và viết trong bao lâu? 5 phút hay 15 phút hay 1 giờ đều tốt cả. Viết 100 chữ hay 1.000 chữ mỗi lần cũng đều tốt. Bởi vì nhiều ít, dài ngắn không quan trọng. Quan trọng là anh chị giữ cho mình thói quen viết sách mỗi ngày.
Nếu viết sách thực sự là điều anh chị muốn làm thì hãy quyết tâm đặt ra kỷ luật bản thân. Mà tôi nghĩ, việc cam kết để thực hiện một mục tiêu nhất định sẽ không làm khó các vị doanh nhân. Bởi tôi tin, chính điều đó đã làm nên thành công của anh chị trong sự nghiệp kinh doanh.
Bước 4. Viết lời cảm ơn:
Nhiều người bắt đầu viết một cuốn sách từ chương đầu tiên nhưng tôi lại thường viết từ "Lời cảm ơn". Khi bắt đầu từ phần này, anh chị sẽ nhìn rõ hơn chân dung độc giả của anh chị. Biết ai sẽ là người thưởng thức, nâng níu cuốn sách của anh chị. Biết anh chị sẽ đem đến kiến thức, kinh nghiệm hay cảm xúc nào cho họ. Hãy viết lời cảm ơn một cách chân thành như thể đang trò chuyện trực tiếp với độc giả của anh chị.
5. Viết lời mở đầu:
Đây là nơi để anh chị giới thiệu cấu trúc cuốn sách của mình. Anh chị sẽ dẫn dắt độc giả qua những phần nào của cuốn sách? Qua những phần đó, độc giả sẽ khám phá được điều gì? Và nó có ích gì cho họ?
Hãy đặt vào đây cả những lý do, khao khát, kỳ vọng mà anh chị muốn gửi gắm trong trang sách. Một lần nữa, sự chân thành sẽ giúp anh chị thuyết phục độc giả đây là cuốn sách đáng đọc.
6. Viết từng chương:
Cho dù anh chị viết hồi ký hay chia sẻ kỹ năng thì điều quan trọng nhất là giữ được đôi mắt của người đọc trên trang sách của anh chị. Nhớ lại xem anh chị từng thích đọc những cuốn sách, lời văn như thế nào? Như chuyện cổ tích? Như bài hùng biện? Hay như lời tâm tình thủ thỉ? Điểm chung của sự cuốn hút trong những thể loại này là câu chuyện. Anh chị viết sách là đang kể một câu chuyện. Hãy kể sao cho đơn giản, dễ hiểu như anh chị đang trò chuyện với một người. Như vậy, cuốn sách của anh chị đã thành công một phần rồi.
Bước 7. Viết lời kết:
Đây là phần dành để anh chị tóm tắt lại các ý chính của sách, thêm lời nhắn gửi và chúc mừng cho những ai đã đọc hết cuốn sách của anh chị. Một số tác giả còn có thể thêm lời kêu gọi hành động độc giả ứng dụng những kỹ năng, kiến thức trong sách. Chỉ cần anh chị nhớ điều mình viết có ích cho độc giả, tự khắc anh chị sẽ biết cân nhắc ý tứ cho lời kết của mình thật trọn vẹn.
Cuốn sách hay là cuốn sách hoàn thành. Rất nhiều người bỏ cuộc khi đang viết giữa chừng vì nhiều lý do khác nhau. Có thể là không cam kết với bản thân để duy trì nhịp viết đều đặn. Cũng có thể vô tình đọc một cuốn sách cùng chủ đề, thấy người ta viết hay quá nên tự ti rồi bỏ cuộc. Hãy nhớ rằng ở một góc nào đó trên thế giới này, có người đang cần và chờ đợi cuốn sách của anh chị để học hỏi và trưởng thành. Hãy hoàn thành nó bằng tất cả tấm lòng anh chị dành cho những độc giả đó. Và đừng bỏ cuộc.
Comments