top of page

05 câu hỏi lớn làm nên thương hiệu

Đã cập nhật: 27 thg 12, 2021

“Thương hiệu là cái hiệu người ta thương càng nhiều người thương thì thương hiệu càng mạnh”. Câu nói này là của nữ doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm trong một lần chia sẻ chuyên đề “Xây dựng thương hiệu cá nhân”. Và với tôi, nó đúng, cực kỳ đúng. Vậy làm sao để người ta thương cái hiệu của mình? Có công thức nào để làm việc này chăng? Thưa có! Công thức đó gói gọn trong 5 câu hỏi, mời bạn cùng xem.


1. Bạn là ai và bạn muốn trở thành ai?


Để trả lời câu hỏi này, bạn cần xác định: bạn có gì? Thế mạnh của bạn là gì? Lĩnh vực hoạt động của bạn là gì? Bạn muốn trở thành người thế nào? Hay nói cách khác, bạn muốn mọi người biết đến mình là người như thế nào?


Đây là những câu hỏi giúp chúng ta xác định điểm xuất phát và đích đến, đồng thời giúp ta vẽ ra chân dung chính mình trong lòng người hâm mộ. Không ôm đồm. Không mơ hồ. Hãy nhìn xem, các bậc vĩ nhân cũng chỉ nổi tiếng ở một vài lĩnh vực mà thôi. Anhxtanh với Thuyết Tương Đối, Edison với bóng đèn, Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng dân tộc… Không có ai được biết đến như một người toàn năng. Họ tập trung làm điều mình giỏi nhất, kiên trì với nó và nói về nó bằng tất cả lòng nhiệt huyết và sự chân thành.


Câu hỏi này cũng hàm ý bạn xuất hiện trong cuộc đời với sứ mệnh gì? Bạn phục vụ cho ai hay cho điều gì? Mỗi người chúng ta được thiên phú một tài năng để thực hiện sứ mệnh ấy, để phục vụ cho cuộc sống chứ không phải là làm giàu cho chính mình. Càng xác định rõ ràng đối tượng mà bạn phục vụ và sẵn lòng làm điều đó thì bạn càng được nhiều người biết đến.


2. Làm sao người ta BIẾT đến bạn?


Khi đã chọn một lĩnh vực, một mục tiêu để phát triển, đó là lúc bạn nghĩ tới chuyện xây thương hiệu. Cũng giống như một sản phẩm/ dịch vụ mới ra đời, bạn cần giới thiệu nó đến với mọi người. Nếu bạn biết qua về marketing, chắc đã nghe nhắc đến từ “độ bao phủ”. Nó chính xác là cách làm cho người ta biết. Tất nhiên, bạn không thể rao bán hay quảng cáo bản thân như là một sản phẩm nhưng có một số câu hỏi liên quan giúp bạn tăng cường độ nhận diện của mình trong mắt công chúng.


Quan hệ của bạn với mọi người là tốt hay xấu? Bạn có cách nào để cải thiện không?

Mọi người ở đây là tất cả bạn nhé, từ gia đình đến đồng nghiệp, từ trong nhà ra xã hội. Bạn không thể đối xử tốt với sếp mà quay qua lính thì quát nạt, la hét. Chỉ cần một hành động đi ngược lại hình tượng mà bạn đang muốn xây dựng là mọi thứ… tiêu tùng. Bạn biết sức mạnh của truyền thông truyền miệng mà phải không? Đừng giỡn với nó.


Kênh bạn xuất hiện là ở đâu?

Bạn thích trực tiếp gặp gỡ hay chỉ thích kết giao trên mạng xã hội? Cho dù là bạn chọn chế độ online hay offline thì đều tốt cả. Chỉ cần bạn nhớ rằng đối tượng phục vụ của bạn ở đâu thì bạn cần xuất hiện ở đó. Nếu đối tượng phục vụ của bạn là người trẻ, TikTok rất phù hợp. Nếu đối tượng mà bạn phục vụ thích hình ảnh thẩm mỹ, có thể tham khảo Instagram. Nếu đối tượng phục vụ của bạn là doanh nhân trẻ, có thể “tấn công” Facebook. Nếu là trẻ em, hãy đến trường mẫu giáo. Nếu là người cao tuổi, hãy đến siêu thị hoặc lập website để quảng bá thương hiệu của mình.


Nếu vẫn còn chưa rõ vì sao phải xuất hiện ở những nơi người mình phục vụ xuất hiện, hãy đi hỏi những anh chàng trồng cây si trước nhà cô gái mà mình thầm thương trộm nhớ. Hoặc bạn cũng có thể hỏi những người bán hàng rong. Ban đầu họ đi khắp hang cùng ngõ hẻm để bán lẻ từng ký hành ký tỏi, sau rồi tìm thấy những bạn hàng cần số lượng lớn, họ tập trung bán cho những người ấy. Thế là quãng đường đi ngắn hơn mà bán được nhiều hơn, lợi nhuận từ đó tăng lên. Làm cho người ta biết về thương hiệu, chẳng qua cũng chỉ là cất tiếng rao cho đúng người, đúng chỗ, đúng thời điểm.


Tần suất hiện diện của bạn là nhiều hay ít? Có thường xuyên và liên tục không?

Kênh truyền hình nào cũng có giờ phát sóng cố định và phát mỗi ngày. Vậy kênh của bạn sẽ phát thế nào? Hãy hình dung bạn có một căn nhà, bạn chuẩn bị trà nước mời khách đến chơi, chiêu đãi khách bằng những câu chuyện thú vị. Ngày qua ngày, nhà bạn sẽ tấp nập người biết đến. Bẵng một thời gian, bạn đóng cửa nhà đi du lịch hay đi trốn, vì… buồn, chẳng hạn. Khách đến và ra về tay không. Đến khi bạn trở về, nhà có mở cửa vẫn sẽ vắng tanh. Muốn đông khách thì bạn sẽ phải hát câu của Ưng Hoàng Phúc “Thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu…” Chắc là bạn không muốn thế đâu nhỉ?

Đừng hỏi tôi tần suất thế nào là vừa. Vì tôi sẽ trả lời nó tùy bạn đấy. Làm sao để bạn xuất hiện thì người ta cũng biết đó là bạn chứ không phải là ai khác. Thế là thành công bước đầu.


3. Làm sao cho ngươi ta THÍCH bạn?


Người ta biết bạn không có nghĩa là người ta sẽ thích bạn. Nói đến thương hiệu là nói đến chất lượng, uy tín. Nếu không đảm bảo tiêu chí này thì dù bạn có quan hệ rộng khắp, xuất hiện dày đặc cũng không thể gây hứng thú cho người khác. Có lần tôi đã nói về chữ “nhạt”, ở một khía cạnh nào đó, làm cho người ta thích chính là làm cho mình bớt nhạt đi và “đậm” lên.


Ngôn tác phong là điều chúng ta cần chú ý khi muốn ai đó thích mình. Hãy nhớ lại lần đầu tiên hẹn “bồ” đi chơi, bạn đã soi gương bao nhiêu lần?

Vậy nên, nếu xuất hiện trực tiếp thì bạn cần chỉnh trang vẻ bề ngoài chỉn chu, không đẹp thì cũng phải sạch. Nếu xuất hiện online thì ít nhất cũng đầu tóc gọn gàng, phần trên xịn sò, phần dưới có thể thoải mái chút. Nhưng thật tình là mỗi lần tôi dự chương trình online, dù chỉ “chường” cái mặt ra, thậm chí là tắt camera suốt buổi nhưng tôi vẫn phải diện nguyên bộ đồ công sở, trang điểm tươm tất, không thì mất tự tin lắm bạn ạ.


Tương tự, nếu bạn xuất hiện bằng… bài viết thì bài chắc chắn cần trình bày sạch đẹp, có phân đoạn dễ nhìn, có hình minh họa ấn tượng, hay ít nhất là cũng phù hợp với nội dung.

Khi hình thức của bạn sạch sẽ, thậm chí là “khêu gợi” một chút, người ta mới dừng lại ngắm nhìn và bắt đầu quan tâm nội dung. Và cả hình thức lẫn nội dung đều cần thống nhất để tạo nên sự khác biệt, độc đáo, mới lạ, nổi bật. Trên mạng xã hội lại càng phải biết cách làm cho mình nổi bật giữa muôn ngàn chữ nghĩa. Khi người ta nhìn hình hay lướt qua tiêu đề, đọc giọng văn, không thấy tên mà cũng đoán được bạn, đó chính là lúc bạn xây dựng thương hiệu cá nhân thành công.


Vậy nên, xuất hiện thường xuyên, ấn tượng, tập trung vào lĩnh vực của mình, đó là cách làm cho bạn sớm có được nhiều “fans” trung thành.


4. Làm sao cho người ta NHỚ bạn?


Hãy tự hỏi bạn nhớ đến ai nhất? Có phải là những người xuất hiện thường xuyên trong đời bạn và cho bạn nhiều giá trị? Ví dụ như cha mẹ, thầy cô. Vậy thì bạn cũng có thể làm cách đó để người khác nhớ đến mình.


Bạn có thể trao cho người khác những giá trị gì? Lời nói, hành động, ngôn từ của bạn có đem lại lợi ích cho ai không? Hay là tác phẩm của bạn bổ sung kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, lan tỏa niềm vui, tạo sự đồng cảm với người đọc?


Không có gì là ngạc nhiên khi quảng cáo phong cách hiện đại luôn hướng đến cảm xúc của khách hàng. Vì sao Biti’s nâng niu bàn chân Việt? Vì sao Huggies nhẹ nhàng như cái ôm của mẹ? Gần gũi hơn, vì sao bạn đọc bài viết này? Có phải bạn đang có nhu cầu được trao tặng một điều gì đó ở đây?


5. Làm sao cho ngươi ta THƯƠNG bạn?


Bạn nghĩ câu hỏi cuối cùng thường khó trả lời? Không, đây là câu dễ nhất. Bởi chỉ cần bạn thực hiện thành công những phần trên và lặp lại chúng như một thói quen, đó là lúc bạn được thương mà chẳng cần phải màu mè. Xuất hiện đúng nơi đúng lúc. Xuất hiện chất lượng, ấn tượng. Xuất hiện với những giá trị tốt đẹp mà bạn vốn có với tinh thần phục vụ điều tốt nhất cho mọi người. Chỉ vậy thôi!


Chúc bạn xây dựng thương hiệu thành công.


-------------

Nguồn: bài viết có tham khảo công thức xây dựng thương hiệu “Biết – Thích – Nhớ - Thương” của nữ doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm, nguyên Phó Tổng Giám Đốc Sài Gòn Food.


82 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nội dung mới sẽ được cập nhật vào thứ sáu hàng tuần. Bạn có thể chủ động quay lại xem hoặc để lại email, tôi sẽ gửi bạn thông tin khi có bài viết mới.

Tôi đã nhận được email của bạn. Cảm ơn bạn vì đã đồng ý kết nối.

bottom of page