top of page

4 tố chất của người làm PR, bạn có bao nhiêu phần trăm?

Trong cuốn Con đường trở thành freelance writer, tác giả Linh Phan đã liệt kê 11 tố chất một người viết nên có. Đối chiếu với kinh nghiệm bản thân, tôi nhận thấy có vài nét tương đồng với các tố chất cần thiết cho một người làm PR, nên mạn phép phân tích ở đây để bạn tự đối chiếu với bản thân xem có phù hợp.


Thứ nhất, giao tiếp

Chữ “giao tiếp” được hiểu một cách toàn diện là tất cả cách thức để bạn truyền tải thông tin một cách hiệu quả. Hai thứ cơ bản mà loài người sử dụng để giao tiếp là gì? Là nói và viết. Cả hai kỹ năng này đều quan trọng nhưng theo thiển ý của tôi, viết sẽ là ưu tiên thứ nhất với PR. Bởi lẽ đôi lúc bạn không cần xuất hiện, không cần diễn thuyết vẫn có thể làm tốt công việc của mình. Trong thời đại @ này, đặc biệt là sau những đợt bùng phát dịch Covid-19, hầu hết những người muốn xây dựng thương hiệu đều dịch chuyển sản phẩm/ dịch vụ của mình lên các kênh online. Đó là lý do vì sao gần đây nghề content writer lại trở nên thịnh hành. Nó đáp ứng nhu cầu PR thương hiệu cho những người không sành viết lách. Nếu bạn có khả năng viết thì đây là một lợi thế để xây dựng thương hiệu cho bản thân.

Có một bạn từng hỏi mình "Em muốn xây thương hiệu là một coacher nên em không tập trung cho viết lách, vậy em phải làm sao?". Mình đã hỏi lại "Thế em giới thiệu dịch vụ coach cho khách hàng bằng cách nào?". Em thật thà trả lời "Dạ em giới thiệu trong các hội nhóm, trên Facebook cá nhân, sắp tới em lập website nữa." Mình ngạc nhiên hỏi tiếp "Vậy em tính giới thiệu mình trên những kênh đó bằng… hình ảnh à, không viết thì làm sao giới thiệu nhỉ?" À há, bạn đã hiểu ra vấn đề rồi nhé. PR và viết lách quan hệ khắng khít với nhau như vậy đấy.


Với khả năng nói, dù vai trò có vẻ yếu thế hơn viết trong lĩnh vực PR nhưng đây vẫn là kỹ năng hết sức cần thiết. Bởi lẽ, nói sẽ giúp bạn xây dựng mối quan hệ - một trong những tài sản quý giá nhất để bạn vun đắp cho thương hiệu của mình. Muốn PR, bạn luôn phải “bước” ra ngoài, nhìn ngắm và tương tác với thế giới bằng lời nói. Tìm kiếm khách hàng, thu thập chất liệu cuộc sống… đều cần đến nói. Hơn nữa, lời nói còn có thể tái sinh trên trang viết để nội dung PR thêm phần sống động và sáng tạo.


Câu hỏi để bạn tự đánh giá:

  1. Bạn dễ dàng viết một bài giới thiệu bản thân trong 1,000 chữ?

  2. Bạn có thể viết với hơn 3 thể loại khác nhau như viết email, viết báo cáo kế hoạch, viết tản văn, viết bài quảng cáo, viết thông cáo báo chí, viết thơ, viết kịch bản, viết đánh giá...?

  3. Bạn rất ít khi bị bắt lỗi chính tả?

  4. Bạn rất dễ bắt chuyện với người lạ?

  5. Bạn thoải mái nói chuyện trước đám đông?

Thứ hai, chủ động

Người làm PR cần tự xây dựng tiếng tăm cho mình, tự sắp xếp công việc, tự thích nghi với sự biến đổi không ngừng của đặc thù công việc và sự đa dạng của khách hàng. Quản lý thời gian, lập kế hoạch, chủ động học hỏi tiếp cận cái mới... là danh sách những việc thường ngày của bạn nếu muốn xây dựng thương hiệu.

Sự thay đổi không ngừng của công nghệ, các hình thức sáng tạo nội dung… càng đòi hỏi người thực hành PR phải chủ động học hỏi để không “lạc lối” với thế giới. Bởi thương hiệu luôn cần phù hợp với mong đợi và thị hiếu của mọi người, không ai xây thương hiệu chỉ để cho riêng mình chiêm ngưỡng.


Câu hỏi để bạn tự đánh giá:

  1. Bạn đọc báo, đọc sách mỗi ngày?

  2. Bạn tham gia ít nhất 01 khóa học hoặc 1 buổi workshop/tháng?

  3. Bạn thường xuyên đề xuất sáng kiến hoặc chủ động nhận phần việc mà bạn cho là phù hợp khả năng?

  4. Bạn luôn có kế hoạch làm việc hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng?

  5. Bạn thường được khách hàng, bạn bè khen là chủ động?

Thứ ba, tập trung

Dù rất linh hoạt, có thể biến đổi như tắc kè hoa cho phù hợp với từng nhiệm vụ, từng khách hàng, PR lại thường cần sự tập trung cao độ. Điều đó thể hiện ở cách bạn theo đuổi mục tiêu một cách quyết liệt, không sao nhãng. Mọi hành động của họ sẽ dồn về chủ đề chính để khai thác, để thể hiện một cách triệt để. Với họ, không làm thì thôi, đã làm là phải coi cho được. Có thể xù xì nhưng không lộn xộn. Có thể chậm rãi nhưng không mơ hồ.

Đặc biệt là, cho dù là bạn PR cho chính mình hay PR cho tổ chức, cá nhân nào khác thì điều bạn cần tập trung trước tiên chính là đời sống của chính bạn. Đời sống là quá trình tương tác với thế giới, nhìn nhận mọi thứ bằng lăng kính chủ quan của mình. Nó được hình thành từ kiến thức, trải nghiệm, tư duy, cảm xúc...của con người. Nó thể hiện trong công việc, gia đình và cuộc sống hàng ngày của bạn.

Hôm nay bạn đã tham gia vào các hoạt động gì? Gặp gỡ những ai? Mọi thứ diễn ra thế nào, thuận lợi hay khó khăn? Cảm xúc của bạn với nó là gì? Bạn thấy vui hay buồn, đồng tình hay bất mãn với sự việc đang diễn ra? Và trên hết, tất cả những việc bạn làm và tương tác ấy có ý nghĩa gì với sự nghiệp và thương hiệu của bạn? Tập trung vào đó, bạn sẽ đi nhanh hơn.


Câu hỏi để bạn tự đánh giá:

  1. Người thân và đồng nghiệp có những nhận xét giống nhau về bạn?

  2. Mọi người dễ dàng biết lĩnh vực bạn đang hoạt động hoặc sản phẩm/dịch vụ bạn đang bán?

  3. Điều bạn thường viết hoặc nói tới có giống với những gì bạn làm mỗi ngày?

  4. Phong cách bạn xuất hiện ở mọi nơi đều giống nhau, cả offline và online?

  5. Bạn cảm thấy dễ dàng và thoải mái khi nói về công việc hay định hướng, mục tiêu nghề nghiệp của mình?


Thứ tư, tiếp thị

PR thường chọn phương pháp tiếp thị rất nghệ thuật, không sỗ sàng, không lộ liễu. Họ nói về họ và về thương hiệu mà họ đại diện một cách đầy ẩn ý nhưng cũng rất sáng tạo. Để tiếp thị tốt, họ có cả một tâm hồn nhạy cảm, chuẩn xác trong việc biết mình biết người. Từ đó, họ chọn kênh xuất hiện thật phù hợp. Web hay blog, trực tiếp hay online, mạng xã hội hay website, gửi mail hay gọi điện. Họ luôn rõ ràng trong việc chọn lựa cách thức tiếp cận đối phương.


Câu hỏi để bạn tự đánh giá:

  1. Bạn sử dụng hơn 2 kênh sau để tiếp thị: website, blog, mạng xã hội, email, tham gia hội nhóm, báo chí, cộng đồng online…?

  2. Nội dung các kênh chia sẻ của bạn nói về 1- 3 chủ đề/ lĩnh vực?

  3. Nội dung của bạn được thể hiện bằng nhiều cách khác ngoài chữ viết như hình ảnh, audio, video, tranh vẽ….

  4. Nội dung của bạn nhận được sự yêu thích của ít nhất một người?

  5. Nội dung của bạn nhận được phản hồi, kể cả khen và chê?


Với mỗi câu hỏi trong từng tố chất mà bạn trả lời là CÓ, bạn được 20% tỷ lệ của tố chất đó. Hãy tự chấm tỷ lệ cho mỗi tố chất trên, bạn đã đạt bao nhiêu phần trăm rồi?

Tôi tin mỗi người chúng ta đều có 4 tố chất trên, khác nhau chỉ là nhiều hay ít. Nếu nhiều, bạn có thể nghĩ đến chuyện xây thương hiệu cá nhân cho mình và/ hoặc cho người khác. Nếu ít, hãy học hỏi và rèn luyện thêm. Tất cả đều có thể thành công nếu bạn kiên trì.


23 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentários


Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nội dung mới sẽ được cập nhật vào thứ sáu hàng tuần. Bạn có thể chủ động quay lại xem hoặc để lại email, tôi sẽ gửi bạn thông tin khi có bài viết mới.

Tôi đã nhận được email của bạn. Cảm ơn bạn vì đã đồng ý kết nối.

bottom of page