top of page

03 vai trò của người xây thương hiệu

Tình cờ gần đây tôi biết đến blog của cô bạn Minh Ngọc – một du học sinh Phần Lan hiện đang làm việc tự do tại Thụy Điển. Cô đặt thông điệp cho blog Minh Ngọc’s Journey là “A Life Traveller – A Storyteller – A Writer”. Tôi cảm thấy rất lý thú với dòng thông điệp này. Theo tôi, nó rất gần với những vai trò mà một người nên nhận lãnh trên hành trình xây dựng thương hiệu của mình. Ở một chừng mực nào đó, người xây thương hiệu nên là một lữ khách dạo chơi giữa đời, một người kể chuyện và cả một người viết.


PR: người lữ khách


PR là thu vào tầm mắt những thăng trầm thế sự, những biến đổi xã hội, những xu hướng thời đại. Từ những thông tin ấy, ta soi chiếu với tư duy cá nhân và sử dụng kỹ năng của mình để tương tác trở lại, tạo nên hiệu ứng về thương hiệu mà ta đang xây dựng. Muốn PR, ta cần biết nhiều, hiểu nhiều. Như một lữ khách, ta dạo chơi trong cuộc đời với tất cả sự hào hứng và quan sát tất cả bằng đôi mắt tinh tường, chờ một ngày kể lại cho người khác theo cách riêng của ta.


Như cách Minh Ngọc thể hiện qua blog của cô ấy với rất nhiều bài về rất nhiều chủ đề khác nhau. Từ thiền đến công việc, từ du học đến du hí, từ tư duy đến kỹ năng, từ niềm vui đến nỗi buồn. Ta có thể thấy ở đó những trải nghiệm sâu sắc về tình yêu với nghề, tình yêu gia đình, tình yêu dân tộc, tình yêu đồng loại... Trên tất cả, bạn hoàn toàn có thể hình dung được Minh Ngọc cũng như những vùng đất mà cô ấy đã đi qua. Nó toát lên một dấu ấn cá nhân khó lẫn vào đâu được.

PR: người kể chuyện


Sẽ rất nhạt nhẽo nếu thương hiệu không được dựng xây trên những câu chuyện có thật. Vốn dĩ, ta không sống và làm việc một mình. Khi bạn kể lại câu chuyện của mình hay của ai đó bằng giọng điệu tâm tình và khách quan, bạn cũng đồng thời nói với khán giả về chính mình – người kể chuyện. Vì sao câu chuyện của người khác lại ấn tượng với bạn và bạn muốn kể lại? Vì sao dù kể với tư cách người ngoài cuộc, bạn vẫn dự phần vào cuộc đời người ấy qua những ngôn từ của mình? Bởi đơn giản, câu chuyện ấy được kể lại qua lăng kính chủ quan của bạn, bằng cảm xúc của bạn. Vì thế, ngôn phong hẳn nhiên bị bạn chi phối. Và cũng dĩ nhiên, khán giả sẽ cảm nhận được tinh cảm, quan điểm bạn gửi gắm qua câu chuyện.


Lại trở về với Minh Ngọc, tôi thấy Ngọc đã làm xuất sắc việc này. Những câu chuyện được cô ấy kể lại rất sâu sắc, rất tâm trạng và rất là… chuyện. Nó cho tôi thấy Ngọc là người có tâm, hay nói rõ hơn là có chiều sâu nội tâm. Những chuyện kể rất thật với tâm tình Ngọc gửi gắm vào đây đã vô tình xây dựng nên thương hiệu của cô ấy – một cô gái du học sinh luôn nặng lòng với quê hương xứ sở và có trái tim nhân hậu, biết đau với nỗi đau của người khác. Suy cho cùng, PR chính là làm cho một sự thật được nói tới thật hơn, ấn tượng hơn và có sức truyền cảm mạnh mẽ hơn.


PR: người viết


Hẳn nhiên, PR là viết nên câu chuyện một thương hiệu mà. Ở khía cạnh người viết, PR cần chuyên nghiệp. Nó thể hiện ở cách trình bày mạch lạc, ở bố cục rõ ràng, ở việc sắp xếp câu chữ sao cho chạm tới trái tim khán giả. Mà đâu có cách nào khác để chạm đến trái tim của một người hơn là bằng chính trái tim của mình. Vậy nên, PR không có chỗ dành cho những ai đi ngược lại đạo đức, tính nhân văn của một con người.


Nếu đã chọn PR, bạn hãy sẵn sàng để trở thành một lữ khách dạo chơi giữa đời với tầm nhìn sâu rộng và xuyên thấu mọi thứ, là người kể chuyện để lan tỏa những điều tích cực đến với những ai đang cần, và là một người viết chuyên nghiệp, chỉn chu để thương hiệu mình luôn thanh sạch trong mắt mọi người. Bởi bạn sẽ chẳng bao giờ biết được, khách hàng tiếp theo của mình là ai.

31 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nội dung mới sẽ được cập nhật vào thứ sáu hàng tuần. Bạn có thể chủ động quay lại xem hoặc để lại email, tôi sẽ gửi bạn thông tin khi có bài viết mới.

Tôi đã nhận được email của bạn. Cảm ơn bạn vì đã đồng ý kết nối.

bottom of page