top of page
Ảnh của tác giảÁnh Ấm Áp

Cảm xúc như con dao



Và người cầm dao cũng là một nghệ sĩ. Nếu bạn điều khiển tốt, "con dao cảm xúc" sẽ phục vụ bạn.


Như con dao giúp bạn cắt thực phẩm dày mỏng, nhỏ to theo ý muốn để chế biến thành món ăn ngon, nó được mài sắc bén thì bạn càng cắt dễ dàng, nhanh chóng, cảm xúc được rèn luyện và kiểm soát tốt cũng sẽ giúp bạn sống tích cực hơn, giao tiếp tốt hơn và có thể thành công hơn.


Những người thành công trong cuộc sống cũng là những bậc thầy kiểm soát cảm xúc. “Con dao” trong tay họ sẽ trở thành trợ thủ đắc lực, khi cần bày tỏ sẽ bày tỏ, khi cần nhẹ nhàng sẽ nhẹ nhàng, khi cần mạnh mẽ sẽ mạnh mẽ và khi cần che giấu sẽ lặng lẽ nằm yên một chỗ. Người đối diện họ sẽ cảm thấy được thấu hiểu, được trân trọng, được hài lòng như khi được thưởng thức món ăn ngon lại còn cắt tỉa đẹp mắt, trình bày gọn gàng.

Nhưng đồng thời, dao bén mà bạn không kiểm soát lực tay tốt, không điều khiển thuần thục thì nó có thể cắt vào… chính bạn, làm tổn thương bạn hoặc ai đó đứng gần bạn. Tương tự, nếu bạn kiểm soát cảm xúc không tốt, để cho những cơn giận bùng phát, để cho những buồn phiền gặm nhấm tâm hồn, để cho những ghen tuông đố kỵ làm mờ lý trí thì bạn trở thành người "bị thương" trước tiên. Mọi người cũng vì thế mà ngại, thậm chí là sợ tiếp xúc với bạn, vì đâu có ai muốn bị đau bao giờ.

Giống như câu chuyện giả sử về Napoleon một đời chinh chiến lẫy lừng, trước trận chiến Waterloo lịch sử, ông đã chĩa “mũi dao nóng giận” về phía một tướng quân, sỉ nhục người này trước ba quân tướng sĩ, đến nỗi người ấy căm hận, nuôi lòng làm phản. Và Waterloo trở thành trận chiến cuối cùng của vị vua tài ba Napoleon. Ông đã trả giá cho một lần dùng sai “con dao cảm xúc” bằng một thất bại to lớn.


Giống như cô vợ nào đó hay ghen. Lúc đầu chồng cảm thấy ghen là gia vị tình yêu, nghĩ mình có giá trị, là “viên ngọc quý” trong mắt vợ. Nhưng ghen nhiều quá thành sa đà, ghen đến nỗi đọc lén tin nhắn, kiểm soát tiền bạc, đường đi nước bước của chồng thì sớm muộn gì chồng cũng thấy vợ quá phiền, quá ràng buộc, quá mất tự do, … Người vợ sử dụng “con dao ghen” ấy giống như mỗi ngày đều cắt gọt, dọn ra một món ăn như nhau, ban đầu thấy ngon, thú vị, lâu dần thành ra ngán ngẩm. Và bi kịch gia đình có thể xảy ra nếu người vợ không dừng lại đúng lúc.


Hay như bản thân tôi cũng có lúc chìm đắm với nỗi buồn của riêng mình, sử dụng “con dao muộn phiền” tự cắt cho mình những món ăn, nghĩ là hợp khẩu nhưng thực chất là vô vị, nếu không dừng lại có khi tôi đã tự cứa mình với những vết đau thật sâu.


Vậy nên, ta chỉ có thoát ra khỏi những cảm xúc tiêu cực ấy bằng cách tiếp tục mài dũa con dao cảm xúc của mình cho thật tinh tế, kiên nhẫn luyện cả cách dùng dao sao cho nhuần nhuyễn cũng là cách ta kiểm soát cảm xúc của mình tốt hơn.


Có thể sự ví von này của tôi làm cho bạn thấy khó chịu nhưng kỳ thực cảm xúc là như vậy. Nó có thể cho bạn thăng hoa nhưng cũng hoàn toàn có thể đem đến cho bạn đau đớn. Bạn và tôi chỉ có một cách duy nhất là nhìn thẳng vào nó, thừa nhận nó và học cách điều khiển để con dao cảm xúc phục vụ mình chứ không phải là giết chết mình.


Từ khi hiểu được điều này, tôi đã áp dụng nhiều cách để chế ngự cảm xúc của mình và vẫn đang không ngừng cố gắng, bạn xem có thể áp dụng cho bản thân không nhé:


1. Rời khỏi hiện trường: đó là khi không còn có thể kềm chế, bạn có thể chửi hoặc đánh người, tôi chọn giải pháp tệ nhất nhưng hiệu quả nhất ngay lúc ấy, đó là bỏ đi chỗ khác, đợi khi bình tĩnh lại rồi tính sau. Giống như bạn tạm thời dừng sử dụng dao, nghỉ ngơi một chút để sau đó trở lại với một tinh thần lành mạnh hơn để điều khiển nó tốt hơn. Nếu không thì bạn cắt cái vật trước mắt thành cái gì cũng không biết nữa.

2. Gọi tên cảm xúc: tôi học được cách này từ một chị làm việc trong ngày tâm lý và thấy rất hiệu quả. Thay vì hét toáng lên bày tỏ sự giận dữ thì hãy nói ra cảm xúc đang hiện diện trong bạn. Bằng cách này, tôi đã từng nói với cậu con 3 tuổi của mình khi cậu ấy chọc giận tôi với một giọng mềm mỏng hết sức có thể, rằng “Mẹ đang giận, mẹ nghỉ chơi con nếu con còn làm vậy!” Và cậu nhóc xin lỗi tôi. Đó thật sự là một bước tiến lớn trong sự chịu đựng của tôi với cậu con trai quá tăng động, bởi vì tôi thật lòng không muốn làm tổn thương con mình bằng con dao cảm xúc.

3. Mỉm cười: nghe có vẻ vô lý, làm sao có thể cười khi cảm xúc nóng giận của chúng ta đang lúc cao trào, nhưng chúng ta cần học cách làm điều đó. Một mentor - cố vấn của tôi cũng là một doanh nhân thành đạt đã chia sẻ cho tôi cách này. Thật vậy, khi bạn cố gắng mỉm cười giữa một không khí sặc mùi căng thẳng, tinh thần của bạn lập tức trầm ổn trở lại, con dao cảm xúc không còn múa loạn xạ. Đối phương vì thế cũng ngạc nhiên dừng lại, họ thắc mắc vì sao bạn cười mà quên mất câu công kích tiếp theo là gì. Có một lưu ý nhẹ ở đây, là nụ cười ấy phải thật sự bao dung, không như tôi ngày trẻ vẫn hay cười mỗi khi tức giận, “đấu” không lại người ta liền cười nhếch miệng kiểu mỉa mai. Cười kiểu ấy giống như châm dầu vào lửa và cuộc chiến sẽ không dừng lại.


Bạn còn cách nào khác để kiểm soát cảm xúc bản thân? Hãy thêm vào danh sách trên theo cách của mình. Tôi tin chỉ cần bạn nhớ cảm xúc là con dao thì sẽ tự khắc có riêng cho mình sự rèn giũa phù hợp.

2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

コメント


Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nội dung mới sẽ được cập nhật vào thứ sáu hàng tuần. Bạn có thể chủ động quay lại xem hoặc để lại email, tôi sẽ gửi bạn thông tin khi có bài viết mới.

Tôi đã nhận được email của bạn. Cảm ơn bạn vì đã đồng ý kết nối.

bottom of page