top of page
Ảnh của tác giảÁnh Ấm Áp

Nhạt mà không nhạt

Tuần trước, trò chuyện với cô Mentee* xong thì tôi dặn dò “Em nhớ viết bài cảm nhận sau gặp gỡ trong vòng 24 giờ nhé.” Em cười bảo “Em viết liền đây chị, để lâu viết nhạt lắm ạ!”

Xưa giờ tôi nghe ăn nhạt, nói nhạt, chứ chưa nghe “viết nhạt” bao giờ. Thấy nó hay hay nên thử tìm hiểu sâu hơn.


Từ định nghĩa đến đời sống


Từ điển tiếng Việt online của Hồ Ngọc Đức chỉ các cách thường dùng của từ “nhạt” gồm:

  • Trong ẩm thực, nhạt có nghĩa là vị như nước lã, ít ngọt, ít mặn, ít chua.

  • Trong hình ảnh, nhạt đi cùng một màu nào đó sẽ làm nhẹ sắc màu. Ví dụ xanh nhạt, tím nhạt, đỏ nhạt…

Nói chung, bất cứ thứ gì gắn với từ “nhạt” đều làm giảm tính chất, mức độ của nó, cho người ta cảm giác ít, nhẹ, yếu…


Từ nghĩa đen này, “nhạt” còn có nghĩa bóng chỉ các hoạt động của con người với hàm ý về thái độ sống thiếu tích cực, bình bình đến chán nản. Thế nên gần đây trong giới trẻ có các khái niệm mới như “sống nhạt”, “thiếu muối”


Cuộc sống vốn sinh động bởi chính ta hiện diện, dự phần vào những gì đang diễn ra bằng cảm xúc, hành động, lời nói của mình. Nếu ta đứng ở nơi đó nhưng tâm hồn ta không ở đó, không cảm xúc thì ta nhạt là đúng rồi. Hiện diện mà không hiện hữu, chính là nhạt.

Tôi không phải là nhà nghiên cứu nhưng qua quan sát, tôi ngờ rằng “sống nhạt” có thể là hệ quả của những trải nghiệm không mấy tốt đẹp, dẫn đến cảm xúc bất ổn như tự ti, lo lắng, sợ hãi, thiếu an toàn… từ đó dẫn đến cách thể hiện lạnh lùng, giữ khoảng cách… Có khi, chính họ cũng không biết là mình… nhạt.

Từ nói nhạt đến viết nhạt

Làm sao để biết một người có nhạt hay không? Chì cần thông qua giao tiếp.

Nếu giao tiếp bằng lời nói, bạn có thể bị đánh giá là "nhạt" khi:

  • Ngại nói, ít nói, có thể là do không tự tin vào kỹ năng ăn nói của mình.

  • Nói một cách hời hợt, nói kiểu ậm ừ cho qua. Ví dụ: ờ, ừ, cũng được, sao cũng được…

  • Nói một cách bi quan, tiêu cực, không có tính chất động viên, truyền cảm hứng hay không có mục đích gì cụ thể.

  • Nói mà không có chính kiến, ai vặt lại cũng được, ai nói gì cũng nghe theo.

  • Nói mà không ai hiểu, có thể do không đầu tư cho nội dung nói hoặc không biết cách diễn đạt.

  • Và đặc biệt, người khác nói mà bạn không lắng nghe. Bởi nếu không lắng nghe, bạn sẽ chẳng biết người ta vừa nói gì để mà phản hồi. Không phản hồi được cũng là nhạt.



Vậy nhạt trong viết thì sao?

Hãy bắt đầu từ chữ “nhạt” trong đôi câu thơ của Xuân Diệu:

Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi

Ở đây, nhà thơ dùng từ “nhạt” theo đúng nghĩa gốc. Nắng nhạt là nắng không đậm, không gắt, không chói chang. Chính vì thế, nắng nhạt sẽ không còn vẹn nguyên bản chất của nắng. Viết nhạt cũng vậy, sẽ không còn vẹn nguyên bản chất của viết.


Tôi muốn nói đến cảm xúc và sự hiện diện của người viết trong tác phẩm của mình. Khi bạn không để tâm vào điều mình viết, khi bạn viết qua loa vội vàng, khi bạn chưa chắc chắn thông tin, khi bạn miễn cưỡng viết mà lòng không tin vào những gì mình đang viết, khi bạn trình bày bài viết một cách khó hiểu… đó là lúc bạn viết nhạt.


Người đọc không hiện diện khi bạn viết nên chẳng thể nói ngay cho bạn biết họ cảm thấy thế nào. Dù vậy, dựa vào định nghĩa của “nhạt” cùng mối tương quan giữa viết và nói, bạn có thể tự đánh giá bài viết của mình có nhạt hay không, qua các câu hỏi:


Bạn có đặt cảm xúc của mình vào bài viết?

Có ý tưởng, viết ra ngay. Không chỉ vì trí nhớ có thể không tốt như bạn nghĩ, mà còn vì cảm xúc có thể nhạt dần như màu nắng. Nắng thì ngày mai vẫn lên nhưng cảm xúc nhạt đi làm sao đậm lại?

Đó chính là lý do mà khi một ý tưởng để quá lâu bạn mới lôi ra viết thì thấy rất khó khăn. Cảm xúc của bạn dù không được gọi tên trong tác phẩm nhưng nó vẫn ở đó, bàng bạc trong cách bạn lựa từ chọn chữ, trong ý tứ cấu trúc, trong giọng điệu văn phong. Vậy nên khi bạn đang buồn, khó mà viết thành vui. Vậy nên, nhiều người nói sao nghệ sĩ yêu nhiều và thất tình nhiều, bởi khi yêu họ mới có cảm xúc, có tình cảm để viết không nhạt.


Bạn có chắc điều mình viết là đúng?

Dù biết mỗi người có một giới hạn kiến thức nhất định nhưng hãy cho người đọc thấy rằng bạn đã nỗ lực tìm kiếm và chọn lọc thông tin để đưa cho họ sự chân thật, có nghiên cứu tìm tòi, có tính xác thực, có nguồn trích dẫn...


Bạn có viết thật với điều mình đang nghĩ?

Sản phẩm A của Công ty vừa ra đời và bạn biết thành phần nguyên liệu của nó có sử dụng một chất hóa học. Bạn có thể giới thiệu nó là sản phẩm tự nhiên 100% không? Hãy chuẩn bị sẵn câu trả lời cho những tình huống tương tự để chắc chắn rằng bạn không cần phải bẻ cong ngòi bút vì mưu sinh. Tránh viết nhạt, trong một chừng mực nào đó cũng chính là giữ đạo của người viết.


Bạn có sống đúng với điều mình đang viết?

Nếu bạn thích viết về chủ nghĩa tối giản thì đời sống của bạn chắc không thể cầu kỳ. Nếu bạn thích viết về đạo làm con, bạn không thể là người bất hiếu. Văn là người, câu chữ là văn bản, bạn không thể chối bỏ nó cũng như không thể chối bỏ con người mình, nếu đã viết ra.

Cô mentee của tôi nói đúng, viết ngay lúc ấy, khi cảm xúc còn nguyên vẹn thì trang viết sẽ đầy đặn, đậm đà, truyền cảm xúc cho ngươi đọc. Còn để lâu quá, nó như màu nắng nhạt nhòa, đến bóng hình chính mình cũng chẳng còn thấy rõ. Lúc ấy, cái hào hứng của người viết đã không còn thì làm sao truyền hơi ấm cho người say ngắm?


Tóm lại, cứ ăn nhạt để giữ gìn sức khỏe, đừng nói nhạt kẻo mất hết bạn bè. Cứ xây hình tượng với những trang phục màu nhạt để thể hiện bản thân là một người giản dị. Nhưng đừng viết nhạt, nó sẽ giết chết hình tượng của bạn trong lòng độc giả.


Chú thích:

* Mentee có vai trò như một học viên trong hệ sinh thái đào tạo Mentoring, được cố vấn bởi một Mentor – người giàu kinh nghiệm sống và làm việc.


6 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nội dung mới sẽ được cập nhật vào thứ sáu hàng tuần. Bạn có thể chủ động quay lại xem hoặc để lại email, tôi sẽ gửi bạn thông tin khi có bài viết mới.

Tôi đã nhận được email của bạn. Cảm ơn bạn vì đã đồng ý kết nối.

bottom of page