top of page

Mời trà, từ thực đến ảo

Phía trước dãy trọ xóm tôi có một cây xoài sum suê cành lá, tỏa bóng mát quanh năm. Chồng tôi đặt dưới gốc xoài một bộ bàn ghế đá. Mấy người ở trọ cũng cao hứng, góp tiền mua một bộ ấm tách để sẵn. Sáng sáng trước khi đẩy xe đi bán dạo, họ ngồi ở đó, nhâm nhi tách trà nóng, hỏi thăm nhau những chuyện thường ngày. Chiều chiều, khi nắng đã dịu, gió từ bờ sông thổi lên, họ đi bán về, lại pha bình trà nóng, ngồi kể chuyện bán buôn đắt khách hay không, bỏ mối ở đâu, gặp khách thế nào. Những ngày cuối tuần, bộ trà được dẹp qua một bên, thay bằng bình rượu nhỏ. Tách trà lúc này làm luôn vai trò chung rượu, cho câu chuyện thêm rôm rả, ấm cúng.


Tôi không có thói quen ngồi uống trà như họ, chỉ thi thoảng rảnh rỗi ra nhấp vài ngụm, hỏi thăm mấy chị phụ nữ bán buôn thế nào, nhà cửa con cái ở quê ra sao. Tách trà lúc ấy thay miếng trầu xưa, làm đầu câu chuyện cho lòng người dễ dàng cởi mở.


Ngày trước, tôi thường uống trà với bạn bè, đồng nghiệp. Khi đi du lịch đến vùng miền nào tôi cũng cùng bạn tìm vài quán xinh đẹp. Đó sẽ là trạm dừng chân sau hành trình tham quan đó đây mệt mỏi cả ngày. Hoặc cũng là trạm khởi hành vào sáng sớm để chúng tôi điểm danh, ăn uống trước khi bắt đầu cuộc dạo chơi.


Nhớ nhất là những quán trà ở Huế với kiến trúc nhà rường cổ kính, sân vườn mát mẻ. Trà được chuẩn bị trong những tách có nắp đậy với những cái tên rất vương giả như trà quý phi, trà hoàng hậu, … Hương vị có khi thanh nhẹ, có khi ngọt ngào bởi chén đường phèn đi kèm. Và thường lúc nào cũng bốc khói vì quán luôn để sẵn một phích nước nóng để khách tự châm trà. Có khi uống một tách trà mà châm nước hết mấy bình.


Chuyến đi Huế đã lâu nhưng cái dư vị trà vẫn còn lẩn khuất trong lòng. Nó gợi nhớ về cội nguồn của tôi, nơi tổ tiên tôi khai cơ dựng cõi. Nó mang theo cả sự hoài niệm về một vương triều đã mất. Không phải là luyến tiếc, chỉ là một chút buồn thương cho một quá khứ đã qua.


Ở Sài Gòn hay Bình Dương, tôi cũng hay tìm đến những quán trà cung đình, phảng phất phong vị Huế với mái ngói, sân vườn, cột kèo. Nhưng cái gì gần giống thì cũng chỉ là gần giống. Tách trà vẫn bốc khói mà hương vị thì khác hẳn. Càng không nghe được giọng nhẹ như tơ của cô gái Huế thỏ thẻ mời chào.


Cũng có một số quán lại còn phối hợp giữa kiến trúc cung đình Huế với cách ngồi uống trà đạo của Nhật Bản, là ngồi bàn thấp. Nhưng chúng tôi, những người Việt trẻ trung, không thích kiểu ngồi quỳ hay xếp bằng như người Nhật mà thẳng thừng duỗi chân vào dưới gầm bàn. Ai đó có thể nói sao cách ngồi sổ sàng không ý tứ, không phụ nữ, chúng tôi chỉ cười xòa, thoải mái ngả người lên những chiếc đệm bé xinh rồi tán chuyện, đâu cần quan tâm ánh mắt người ngoài.


Thật ra, sau này khi có con, tôi thấy kiểu bàn trà thấp lại có cái hay. Nó rất tiện lợi cho các bà mẹ trẻ như tôi vừa tụ hội tán chuyện với nhau, vừa an tâm cho con đùa nghịch mà không sợ con té ngã từ bàn ghế cao.


Những năm gần đây, khi tôi chuyển đến nơi ở mới cùng chồng, công việc thì ngày càng bận rộn, tôi không còn thường xuyên họp hội uống trà với bạn bè. Thi thoảng sinh nhật, lễ tết, chúng tôi gửi cho nhau mấy chiếc ảnh hình tách trà trên status Facebook, kèm lời nhắn yêu thương “Cụng trà mừng tuổi mới nha”. Có khi còn bắt chước cách nói của phim kiếm hiệp “Tại hạ lấy trà thay rượu, kính một ly mừng sinh thần quý cô nương”. Khi ấy, tôi thấy có chút hài hước, gần gụi. Nhưng sau lại cảm giác thiêu thiếu và man mác buồn. Cuối cùng thì đó cũng chỉ là một hình ảnh. Tôi làm sao có cảm giác vị trà tan đắng nơi đầu lưỡi hay gật gù cảm nhận vị ngọt hậu sau đó của tách trà kia. Và làm sao biết gương mặt bạn tôi ở bên kia chiếc hình đang cười vui hay đầy suy tư như những ngày xưa ấy. Lời chúc mừng bỗng chốc trở nên sáo rỗng bởi nó không thể gọi tên cảm xúc của đối phương ngay thời khắc ấy.


Tự hỏi vì sao người phụ nữ khi lấy chống lại phải đánh đổi những thói quen cũ? Những buổi cà phê sớm, những buổi trà chiều cứ thế thưa dần theo năm tháng. Trước đây, sau giờ làm, tôi thường rủ rê người này người kia ra quán. Giờ thì chỉ biết cắm đầu chạy về nhà, chơi với con, phụ chồng dọn dẹp nhà cửa.


Đành rằng, chúng ta buộc phải có những chọn lựa và thay đổi thói quen theo từng ngả rẻ cuộc đời. Chúng ta thay niềm vui này bằng niềm vui khác. Nhưng niềm tiếc nuối về những tháng ngày thanh xuân cũng không thể nào vơi đi.


Nhiều khi tôi cũng có chút ghen tị. Chồng thi thoảng còn được bữa nhậu với bạn bè. Còn tôi về nhà chồng thì xa cả những mối quan hệ vốn có, có khi bạn bè mấy năm không gặp. Thấy mình có lỗi với bạn bè, có lỗi với bản thân và những buổi chiều vô lo bên tách trà bốc khói.


1 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nội dung mới sẽ được cập nhật vào thứ sáu hàng tuần. Bạn có thể chủ động quay lại xem hoặc để lại email, tôi sẽ gửi bạn thông tin khi có bài viết mới.

Tôi đã nhận được email của bạn. Cảm ơn bạn vì đã đồng ý kết nối.

bottom of page