top of page

Virus có thể là cảm xúc nào của bạn?



Tôi viết bài này giữa những thông tin lộn xộn về nguy cơ đầu tháng 10 tới vẫn chưa thể đi làm, chưa thể đi thăm bố mẹ và chưa thể tung tăng đến những nơi mình muốn đến như một cuộc sống bình thường đáng phải có, vì các ca nhiễm Covid-19 vẫn còn gia tăng. Tôi tự hỏi mình sẽ ra sao nếu cuộc sống vẫn tiếp diễn như những ngày qua? Tôi cũng tự hỏi với cái con virus kia, tôi có ghét nó hay không? Và câu trả lời của tôi như thế này:


Nguồn: internet

Virus, cũng như cảm xúc, nó có tính lây lan.


Nó có thể là nỗi buồn vào một chiều mưa xám xịt. Ta nhìn quanh và thấy cái gì cũng mang màu xám tro ảm đạm. Một con chim buồn bã đậu lẻ loi trên cành cây. Một bông hoa lìa cành. Một giọt mưa sót lại, lặng lẽ rơi vào thinh không. Và ta mang nỗi buồn đó làm việc. Ta truyền nỗi buồn đó cho gia đình ta, bạn bè ta bằng một giọng điệu chứa đầy niềm u uẩn. Ta thấy mọi người quanh ta dường như cũng đang buồn.


Virus cũng có thể là một nỗi hoang mang. Ta không biết những ngày sắp tới ta sẽ đối diện với nó ra sao, ta sẽ sống chung với nó như thế nào? Mọi người sẽ đối xử với ta ra sao nếu ta mang nó trên người? Xa lánh, né tránh hay ân cần giúp đỡ?


Hay virus là nỗi sợ hãi. Bởi ta không biết nó là gì. Ta không trông thấy hình dạng của nó. Ta chỉ biết nó qua miêu tả của những người cũng chưa từng thấy nó như ta. Ta sợ hãi vì ta không biết. Ta sợ hãi vì ta không thể nắm bắt nó như nắm một con kiến hay con muỗi trong tay rồi nhẹ nhàng… “giết” đi.


Hay virus là cơn giận dữ. Tại sao phải là tôi? Tại sao lại chọn tôi? Tại sao tôi không được yên ổn làm điều tôi thích? Tại sao tôi cứ phải ru rú trong nhà? Cơn giận dữ ấy như một cơn phản kháng bất lực của ta trước thứ mà ta không thể kiểm soát.


Hay tận cùng virus là một nỗi đau đớn. Không phải đau vì những sốt ho, đau họng, mất mùi vị, đau đầu, mệt mỏi… mà đau vì những mất mát cho rằng bản thân mình không đáng nhận, những rời xa mà đáng ra ta nên được hưởng như gia đình, công việc, bạn bè, dự định, …


Nhưng tôi lại nghĩ…


Virus cũng có thể là niềm vui. Ờ thì nó đã gõ cửa nhà ta. Nó sẽ ở cùng ta mười mấy ngày. Bởi suy cho cùng, nó đến xem như ta được chích mũi thứ ba, ta sẽ không bị nó quấy rầy nữa, ít nhất là trong vòng 6 tháng tới.


Virus cũng có thể là sự bình tĩnh. Ờ thì đã đến rồi thì ta sẽ chăm sóc mi, chữa lành cho mi. Mi có thể quậy ta, cảm thấy không vừa lòng khi ở trong cơ thể ta. Rồi thì mi sẽ quen thôi, như ta cũng sẽ quen mi. Ta sẽ bình tĩnh chạm mặt mi như đã bình tĩnh vượt qua bao biến cố trong đời, có khi còn to lớn hơn cả mi ấy chứ.


Và có khi virus cũng là bình yên. Chả là ta ấm áp nên mi ghé qua. Mi cứ sống vòng đời của mi và ta sẽ sống cuộc đời của ta. Đã có nhiều người sống cùng mi mà không hề hay biết, mi cứ đến và mi cứ đi, thế thôi!


Và cuối cùng virus cũng có thể là yêu thương. Bởi khi ngươi hiện diện, ta không bị bỏ mặc, ta sẽ được quan tâm. Bạn bè hỏi han ta. Gia đình chăm sóc ta. Cộng đồng an ủi ta, dù thân dù lạ vẫn hướng một cánh ta về phía ta, chia sẻ an lành.


Vậy đó, dù ta muốn hay không, con virus đó vẫn cứ tồn tại, khó đoán định thời khắc nó tới với ta nhưng chắc chắn nó hiện diện trên cõi đời. Cũng như cảm xúc, vẫn luôn ở một góc nào đó và chợt bùng lên mà ta không biết trước, không thể kiểm soát. Nếu đã không thể né tránh, sao ta không bình tĩnh đón nhận? Bình tĩnh đối xử với nó như vốn dĩ cần phải làm như vậy.


Khi bạn nóng giận, bạn sẽ làm gì? Khi bạn sợ hãi, bạn sẽ làm gì? Khi bạn hoang mang, bạn sẽ làm gì? Tôi thì cố gắng bình tĩnh kiểm soát nó. Bằng những thông tin khoa học chính xác được kiểm chứng, tôi học cách hiểu nó. Bằng niềm tin vào bản thân và cộng đồng, tôi học cách đối diện nó. Bằng những chỉ dẫn rõ ràng của giới chuyên môn, tôi học cách chấp nhận và vượt qua.


Để bình an lại trở về trong tâm hồn.


2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nội dung mới sẽ được cập nhật vào thứ sáu hàng tuần. Bạn có thể chủ động quay lại xem hoặc để lại email, tôi sẽ gửi bạn thông tin khi có bài viết mới.

Tôi đã nhận được email của bạn. Cảm ơn bạn vì đã đồng ý kết nối.

bottom of page