top of page
Ảnh của tác giảÁnh Ấm Áp

Cô đơn muôn màu



Cần nói ngay rằng, cô đơn không có tên trong “bánh xe cảm xúc” của các nhà khoa học tâm lý, cho nên nó không phải là một loại cảm xúc, nó là một trạng thái. Vì vậy, nó sẽ “ở chung” với bạn lâu hơn 6 giây, có thể vài giờ, vài ngày, vài năm hoặc là… trăm năm.


Vâng, trăm năm, bạn không đọc nhầm, nhà văn Gabriel García Márquez đã khẳng định trong cuốn tiểu thuyết kinh điển nhan đề “Trăm năm cô đơn” cách đây hơn thế kỷ. Chuyện kể về một gia tộc vướng phải lời nguyền trăm năm. Từng thế hệ trong gia tộc ấy, dù đẹp hay xấu, dù chết trẻ hay chết già đều sống một mình. Có lúc họ chấp nhận, có lúc họ vẫy vùng, nhưng dù cố gắng thế nào, họ cũng không vượt qua số mệnh. Những nhân vật ấy, chính là cô đơn. Cô đơn ẩn dưới mọi dáng hình, bầu bạn cùng con người như là một phần tất yếu.


Thời đại ngày nay, chúng ta sống trong thông tin tràn ngập. Ở trong nhà hàng bao nhiêu ngày như đợt đại dịch Covid-19 này, chúng ta vẫn kết nối với cả thế giới, chỉ bằng một cái click chuột, một cái chạm trên màn hình điện thoại. Chúng ta có thể gặp gỡ, nói chuyện hàng giờ liền với một người thân hay sơ ở bên kia bán cầu. Chúng ta ngỡ rằng mình không còn cô đơn. Nhưng thú thật đi, sau khi những nói cười chớp nhoáng qua đi, ta về với chính mình và ta vẫn thấy mình cô đơn dù không vướng phải một lời nguyền nào, có đúng thế không? Đó là chẳng qua, ta đang đi từ nỗi cô đơn trong thế giới thực đển sự “Cô đơn trên mạng”, như nhà văn Janusz Leon Wísniewski đã kể trong cuốn tiểu thuyết của mình. Một cuộc xê dịch không gian tạm thời không làm mất đi nguồn cơn của cô đơn nằm ở bên trong mỗi chúng ta.


Thậm chí, ngay khi ở trong nhà mình, chắc bạn cũng đôi lần được cô đơn tìm tới. Đó là khi ta không nhận được sự thấu hiểu, đồng tình, ủng hộ, cảm thông từ chính những người chung một mái nhà. Vì sao vậy? Đơn giản thôi, vì ta là con người - một con người độc nhất vô nhị, một cá thể riêng biệt với một bộ óc riêng biệt chứa đựng những nỗi niềm riêng biệt. Những suy nghĩ, những mục tiêu, những dự định, những ước mơ của mỗi chúng ta là khác biệt. Cách chúng ta nghĩ, việc chúng ta làm, con đường chúng ta lựa chọn, vì vậy cũng trở nên khác biệt. Không có gì là ngạc nhiên nếu ngay với những người chung mái nhà, ta vẫn cảm thấy không thật sự hiểu thấu.


Người bình thường có những nỗi cô đơn rất giản đơn như vậy. Còn những người thành công, họ có cô đơn không? Một lần tôi được cố vấn về nghệ thuật lãnh đạo với một CEO ngành gỗ, anh bảo rằng “Càng lên cao thì người ta càng cô đơn, nói chính xác là cô độc và CEO thường là người cô độc nhất”. Giống như một người trèo lên ngọn núi cao mà không ai theo kịp, anh ta chỉ có thể đứng một mình trên đỉnh cao danh vọng, tự mình quyết đoán, tự mình chịu trách nhiệm với những quyết đoán đó, với số phận của một doanh nghiệp có thể lên đến vài ngàn hoặc vài trăm ngàn con người. Nghĩ mà xem, một quyết định có sức ảnh hưởng lớn như vậy mà bản thân anh lại khó lòng hỏi ý kiến những người xung quanh nên cô đơn là phải.


Có lần, tôi vô tình bước vào phòng tổng giám đốc của tôi và bắt gặp cảnh tượng, anh ấy ngồi lọt thỏm trong trước ghế bành to lớn, đầu hơi cuối, tay đỡ trán, mắt thì nhìn vô thức lên màn hình đang chớp nháy rất nhiều con số. Tôi biết anh đang lo lắng về thông tin sáng nay, khả năng máy móc và nguyên liệu nhập khẩu sẽ về không kịp ít nhất 3 tháng nữa, đồng nghĩa với 2.000 công nhân viên của Công ty sẽ không có việc làm. Tôi biết, nhưng tôi không thể chia sẻ cùng anh. Chỉ mình anh mới có thể đưa ra quyết định, cho dù xung quanh vẫn có rất nhiều trợ thủ đắc lực. Họ giống như tôi, chỉ có thể tham mưu nhưng không thể đưa ra quyết định cuối cùng, Nỗi cô đơn sẽ cùng CEO của tôi làm việc đó.



Tôi là một người viết, tôi biết mình không có nỗi cô đơn trên cao như các doanh nhân. Nỗi cô đơn của những người viết chúng tôi nằm trong sâu thẳm tâm hồn. Cái nơi sâu thẳm ấy có khi mang màu trắng xóa như trang giấy chưa được lấp đầy con chữ, có khi lại đen thẳm như màu mực khi bị bí ý tưởng, lại có khi xám xịt như một chiều mưa nghĩ đến phận người chơi vơi, hoặc thi thoảng là màu đỏ của hân hoan khi viết về niềm vui chiến thắng, đôi lúc lại phảng phất xanh da trời khi viết về niềm hi vọng mong manh. Nhưng lúc nào cũng vậy, cô đơn luôn đơn thuần một màu. Nó rộng rãi, trống trải và không bóng người. Bởi khi ấy, ta luôn một mình.


Người ta nói rằng “Điều đáng sợ của cô đơn không phải là đứng một mình, mà là giữa biển người vẫn cảm thấy chỉ có một mình”. Tôi dám chắc thế giới nội tâm của người viết là như vậy. Bởi chỉ khi cô đơn một mình, ta mới bình tâm nhìn vào bên trong mình một cách rõ ràng, sáng tỏ. Dẫu cho chúng ta có đi giữa cuộc sống náo nhiệt để lấy đầy chất liệu nhưng khi ngồi xuống viết thì vẫn chỉ có thể đối diện với chính mình, không ai có thể làm thay.

Vậy một mình có phải là cô đơn không? Không hẳn, vì nếu một mình nhưng bạn vẫn tìm thấy những niềm vui đâu đó, với cái ti vi trong nhà hay bông hoa ngoài vườn thì làm gì phải cô đơn. Nhưng tôi cam đoan khi bạn rơi vào trạng thái cô đơn, chắc chắn bạn sẽ thấy… một mình.


Đó là khi bạn giống tôi, tham dự một sự kiện, xung quanh có rất nhiều người quen nhưng tôi vẫn cảm thấy cô đơn, đứng lui về một góc và quan sát, rồi ngạc nhiên tự hỏi sao người ta có thể sôi động như vậy.


Đó là khi bạn như tôi, đứng giữa con đường mắc kẹt hàng trăm ngàn chiếc xe, xung quanh là tiếng máy xe ầm ĩ, tiếng la ó chói tai, tôi vẫn thấy một mình, khác xa với đám đông đầy cáu bẳn.


Hoặc là khi tôi ngồi viết giữa ồn ào của một văn phòng đầy người, giữa tiếng nói lộn xộn của mấy chục chất giọng đủ mọi miền, rồi tiếng reo điện thoại, tiếng kêu máy fax, … Như một người phân thân, tôi bỏ lại xác mình ở đó, còn hồn thì nhập vào bài viết. Lúc ấy, thế giới dường như chỉ còn mình tôi.


Vậy tại sao người viết chúng ta lại có nỗi cô đơn thường trực đó? Có lẽ vì nhu cầu thấu hiểu của người viết cao hơn những người làm công việc khác, thành ra nói không thể truyền tải hết ý, chỉ có viết mới giải tỏa được nỗi lòng. Lúc ấy, trang giấy là người bạn để ta chia sẻ, phơi bày hết tâm can. Nhưng mà, cũng có lúc dự định trải lòng trên trang giấy, muốn viết một điều gì thật hay ho nhưng lại do dự không đặt bút. Ấy là khi ta sợ cô đơn trước viễn cảnh tương lai của cái tác phẩm mình sắp thành hình kia sẽ chẳng ai đồng cảm. Giống như Bá Nha khi nhận tin người bạn tri âm Tử Kỳ đã mất đi thì đập vỡ cây đàn, thề không đàn nữa. Đó là nỗi cô đơn của những người khao khát tìm kiếm bạn đồng điệu. Sự mong cầu thấu hiểu, với người viết mà nói, là một nhu cầu xa vời vợi.


Ở một khía cạnh tích cực hơn, cô đơn có thể làm ta sợ hãi, làm ta bức bối nhưng đồng thời cũng khiến ta mạnh mẽ, khiến ta phát tiết tài hoa, khiến ta không ngừng nỗ lực viết nhiều hơn, tìm cách thể hiện tài tình hơn để giải bày lòng mình với nhân loại, để một lúc nào đó giữa cuộc đời này sẽ có người hiểu ta, đồng cảm với ta như Tử Kỳ hiểu tiếng đàn Bá Nha.


Vậy nên có câu rằng, "Tôi cảm thấy mình ít cô đơn nhất khi tôi ở một mình". Vì như tôi lúc này, một mình với trang giấy của tôi, với bàn phím của tôi. Tôi trò chuyện với chính những từ ngữ đang vang lên trong đầu mình. Và tôi viết cô đơn thành lời.



2 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nội dung mới sẽ được cập nhật vào thứ sáu hàng tuần. Bạn có thể chủ động quay lại xem hoặc để lại email, tôi sẽ gửi bạn thông tin khi có bài viết mới.

Tôi đã nhận được email của bạn. Cảm ơn bạn vì đã đồng ý kết nối.

bottom of page