top of page

Lê Phong Linh: từ họa viên thiết kế đến bà chủ quán cháo lòng

Đã cập nhật: 28 thg 7, 2022

Lê Phong Linh là một cô gái nhỏ, tôi quen biết từ khi làm việc ở một khu du lịch khá nổi tiếng của Thành phố. Trong mắt tôi, em là một đồ họa viên tài hoa, đam mê nghệ thuật. Tôi nhớ những thiết kế ngày ấy của em treo đầy khu du lịch, những mảng màu sáng tối đan xen, bố cục chặt chẽ, con chữ bay bướm. Tất cả toát lên con người em, yêu cái đẹp và chăm chút cho tác phẩm của mình. Vậy nên, hẳn là bạn có thể hình dung tôi bất ngờ đến thế nào khi hay tin cô đồ họa viên tài hoa ấy đi… bán cháo lòng.


Ảnh: nhân vật cung cấp

Trong tâm thức tôi, bà bán cháo lòng với một cô họa viên thiết kế không thể nào là một người. Không phải khinh thường nghề này, tán thưởng nghề kia, mà là cảm thấy nó hoàn toàn khác biệt. Họa viên thiết kế ngồi bàn giấy vẽ vời với chiếc máy tính. Em sẽ vẽ gì khi cầm cái muỗng, cái nồi trong tay? Thế nhưng, một chiều cuối tuần đến thăm em, ăn thử món cháo em nấu, tôi đã phải thay đổi cách nghĩ của mình, rằng trên đời này chuyện gì cũng có thể, kể cả việc bàn tay hoa mỹ sẽ nấu cháo ngon lành.


Từ mỹ thuật đến mỹ thực


Bạn đoán xem vẻ đẹp của một bức tranh và vẻ đẹp của một tô cháo lòng có giống nhau không? Với ai đó thì không nhưng với một bà chủ quán từng là họa viên thiết kế thì có.


Tô cháo của em khi được dọn ra sẽ có bố cục như một bản vẽ hoàn hảo. Trên một chiếc mẹt tre nhỏ xinh, chiếc tô sành sóng sánh màu cháo nâu sậm đang nghi ngút khói chiếm một góc đáng kể, như một điểm nhấn mạnh mẽ, kế bên là dĩa lòng trắng ngà tinh tươm tỏa vị gừng thơm thoang thoảng, một góc nhỏ điểm chút xanh của rau thơm, một chút đỏ của ớt. Tất cả hài hòa làm nên bức tranh tĩnh vật độc đáo mang dấu ấn riêng em.


Nếu khách gọi cháo cùng món bún đậu mắm tôm, sẽ có thêm một “bức tranh” mới được dọn lên, trên một mẹt tre khác. Là vàng ruộm của đậu hủ chín giòn, là trắng nõn của vắt bún vo tròn, là xanh của lá rau còn đẫm nước và đặc biệt là tím thâm trầm của chén mắm tôm. Màu tím ấy trở thành gam màu nóng duy nhất giữa bức tranh vintange nhàn nhạt, nó mời gọi và thu hút mọi ánh nhìn của thực khách.


Giữa những “bức tranh” tỏa mùi thơm phức ấy, chúng tôi hàn huyên chuyện về em, về những lựa chọn đưa em đến với nghề cháo lòng. “Kinh doanh cháo lòng, thật ra là duyên nợ, chứ lúc đầu nghĩ đến em cũng thấy tuột… mood rồi chị. Nhưng nghĩ lại giữa đất Sài Gòn hằng hà sa số quán xá như thế này, cháo lòng là món ít cạnh tranh hơn những món khác. Em lại có chút kinh nghiệm nấu cháo của gia đình em, Hải Phòng ăn cháo lòng theo cách khác Sài Gòn chị à, và em nghĩ nó có thể làm nên sự khác biệt cho mọi người nhớ quán em. Giống như việc em bán bún đậu mắm tôm kèm theo món cháo vậy, là do xuất phát từ đặc trưng ăn uống một số vùng miền phía Bắc thường ăn lòng với bún, tiện cho em làm một nguyên liệu mà có thể đa dạng thực đơn của quán”.


Em nói bán cháo tưởng dễ mà không dễ. Dễ là chỉ nấu cháo thôi, không dễ là làm sao cho hàng ăn của mình sạch sẽ vệ sinh, làm cho khách của mình tin là mình sạch. Người ta bảo bán hàng ăn là làm dâu trăm họ, giờ thì em tin rồi. Suốt bốn năm bán cháo, đủ 365 ngày không nghỉ ngày nào, đến nay đã có kinh nghiệm nấu 1.500 nồi cháo mà em vẫn cho rằng mình chỉ đang nỗ lực sáng tạo tìm ra cái vị đặc trưng của quán để làm hài lòng khẩu vị của trăm ngàn thực khách yêu thương. Mỗi ngày một cố gắng để chạm đến mục tiêu trở thành một trong những quán ăn nức tiếng Sài Gòn.


Nấu một nồi cháo cũng lắm gian nan. Em phải thức dậy từ sớm để rang gạo cùng với tiết hậu, làm nên nồi cháo đặc trưng phong cách Hải Phòng. Những thức ăn kèm cháo cũng bảo đảm an toàn thực phẩm và… đẹp. Chính tay cô chủ quán ưa đẹp ấy lựa từng cọng rau, chọn từng miếng lòng rồi lặt sạch, luộc kỹ. Có thể chính vì cái sự kỹ càng của em làm cho thực khách quen ăn không bỏ mà cũng thành một rào cản vô hình, khiến bốn năm qua bán đắt mà em chưa dám nghĩ đến chuyện mở quán thứ hai, thứ ba, … như nhiều thương hiệu khác. Ba Phương chỉ có duy nhất một quán ở đường Nguyễn Duy Khoát, quận 4. Vậy nên, mỗi lần muốn ăn tô cháo lòng em nấu, tôi lại lặn lội vượt nửa vòng thành phố để đến quán em.


Quả thật, ăn cháo lòng với bún đậu mắm tôm ở quán em cho tôi một trải nghiệm rất khác biệt. Nó cho người ta cái hương vị gần gũi chân quê về một miền Kinh Bắc xa xôi giữa Sài Gòn hoa lệ, ta như được trốn vào một góc bếp đằm thắm bình yên của miền quê ấy, hít hà sợi khói ủ mùi đồ ăn chín tới, dù vẫn đang ngồi giữa phố xá xôn xao.


Cái mỹ thực trong tô cháo lòng của em còn thể hiện ở sự chăm chút, quan tâm đến vị giác của thực khách trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Em phân biệt rạch ròi ăn cháo tại quán và đem cháo về nhà.


Khi ăn cháo tại quán, lòng sẽ được để riêng, không trộn lẫn vào cháo, để khách được trải nghiệm riêng biệt hương vị mỗi thứ, để độ nóng vừa đủ cho khách thưởng thức ngay, để trình bày đẹp làm cho khách no cả mắt chứ không riêng gì bụng. Hình như cả đất Sài Thành có hàng ngàn quán cháo mà tôi chưa thấy quán nào cầu kỳ chu đáo trong cách trình bày như quán em.


Nhưng khi khách mua mang về thì ngược lại, em nhất quyết bỏ lòng chung với cháo và giải thích rằng quãng đường từ quán về đến nhà khách dù gần cách mấy cũng đủ xa để làm cho lòng nguội, mà khi lòng đã nguội thì cháo không còn ngon nữa. Tôi bật cười nhưng lại thầm khen em ý tứ. Cứ theo cách nghĩ của em thì lòng trong tô cháo cũng đẹp như lòng người, chỉ thật sự yêu thương chan hòa khi nóng ấm nghĩa tình, lỡ mà ai đó làm nguội lạnh rồi, có khi đến liếc mắt cũng không có, huống chi là thưởng thức.



Ảnh: nhân vật cung cấp

Vửa bán cháo vừa vẽ vời


Dường như dù đã chuyển tình yêu cái đẹp vào những món ăn như tô cháo lòng, dĩa bún đậu cuốn bò bía, Lê Phong Linh vẫn luôn chưa thấy đủ, vẫn nhớ lắm những bản thiết kế đầy tính nghệ thuật của em. Bởi em xuất thân từ ngành cảnh quan và hoa viên, nó như niềm đam mê không thể từ bỏ, nó theo em. Vậy nên, giữa những ngày đương đầu với Covid-19, tôi không ngạc nhiên khi thấy em loay hoay kết nối với những công việc mang tính sáng tạo. Em hợp tác với bạn bè kinh doanh mảng thiết kế sân vườn, tiểu cảnh trang trí nội thất. Em nhận phân phối ngọc trai – loại trang sức chỉ nhìn thôi đã thấy sự quý phái, xinh đẹp. Và còn cộng tác thiết kế, kinh doanh nhiều loại khác nữa, tất cả đều có tính mỹ thuật cao.

Cuộc đời của một con người có thể có bao nhiêu lối rẽ? Và một đời người nên trải qua bao nhiêu công việc để thành công? Tôi không có câu trả lời chính xác nhưng nhìn quãng đời của em với rất nhiều thăng trầm, tôi tin những lối rẽ ấy đang ngày càng khiến em mạnh mẽ hơn. Đúng như tên gọi, Phong Linh như tiếng chuông gió ngân vang giữa cuộc đời. Dẫu có rất nhiều tạp âm bủa vây, tiếng chuông gió mảnh mai mà sáng trong, đẹp đẽ, làm cho người nghe khó lòng lãng quên.

32 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nội dung mới sẽ được cập nhật vào thứ sáu hàng tuần. Bạn có thể chủ động quay lại xem hoặc để lại email, tôi sẽ gửi bạn thông tin khi có bài viết mới.

Tôi đã nhận được email của bạn. Cảm ơn bạn vì đã đồng ý kết nối.

bottom of page