Không chỉ có báo chí, PR cũng thường xuyên viết tin tức. Nếu phóng viên viết tin cho một cộng đồng rộng lớn là xã hội thì PR viết tin để phục vụ cho… phóng viên và cả những khách hàng khác của mình. Đó có thể là khách hàng nội bộ doanh nghiệp. Đó cũng có thể là khách hàng bên ngoài như cổ đông, người tiêu dùng…
Rất nhiều lần, sau khi đăng tin nội bộ trên Fanpage doanh nghiệp, tôi được các phóng viên nhắn tin hỏi thăm để viết tin sâu hơn trên báo của họ về nội dung vừa đăng. Chúng ta không biết trong những thông tin nhỏ bé mà mình chuyển đi, cái nào sẽ được phóng viên quan tâm. Vì vậy, tôi nghĩ nhiệm vụ của một người PR là viết cái gì cũng “chuẩn không cần chỉnh”, ngay cả những tin tức mà bạn cho là ít tầm ảnh hưởng, để người khác có thể tiếp thu và lan tỏa thông tin mà không cảm thấy gượng ép hay khó khăn.
Vậy khi nào thì chúng ta cần viết tin?
Mục tiêu chính của tin tức là truyền tải thông tin/ thông điệp từ đối tượng này sang đối tượng khác. Và dĩ nhiên, nó chỉ được gọi là tin khi có tính mới. Một sự kiện sắp hoặc vừa diễn ra. Một sản phẩm/dịch vụ mới ra đời, một văn bản mới ban hành… nói chung là tất cả những gì chưa có hoặc thay thế cho một cái cũ và ảnh hưởng đến nhiều người đều có thể trở thành tin.
Ngoài tính mới, nó còn phải bảo đảm các yếu tố như chính xác, khách quan, kịp thời và đầy đủ. Những yếu tố này tạo nên giá trị của thông tin. Nếu sau khi đọc lại tin tức của mình, bạn cảm thấy không có gì hay ho cho người đọc học hỏi, nhận thức thì tin dù mới cũng không có ý nghĩa.
Để bảo đảm các yếu tố này trong một mẫu tin, kinh nghiệm của tôi là người ta thường sử dụng công thức 5WH để thu thập thông tin. Hãy xem ví dụ sau:
Thật ra, để viết một bản tin theo 5WH như thế này không quá khó. Chỉ cần bạn trả lời cho các câu hỏi xoay quanh chủ đề tin tức của mình: Cái gì? Ở đâu? Khi nào? Với ai? Như thế nào và Tại sao?
Nhưng để làm cho một mẫu tin hấp dẫn thì không dễ như vậy. Bạn cần trả lời thêm một số câu hỏi:
Nội dung hay yếu tố nào trong 5WH của chủ đề này là quan trọng nhất? Và đem nó lên đầu mẫu tin. Ngày nay, người ta không có nhiều thời gian dù chỉ để đọc mẫu tin vỏn vẹn 300 chữ nếu nó không thu hút.
Những số liệu, dữ liệu, chi tiết nào đắt giá nhất? Để nhấn mạnh, viết về nó nhiều hơn. Thông thường người ta hay nhấn mạnh vào yếu tố How hoặc Why để mở rộng tin. Nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, các yếu tố khác cũng có thể triển khai nhiều hơn nếu bạn thu thập được nhiều tin tức.
Đối tượng đọc mẫu tin của bạn là ai? Nếu là tin nhanh gửi báo chí, bạn cần một giọng điệu mạnh mẽ và dứt khoát, nó giúp bạn thể hiện tính chuyên nghiệp. Nếu là tin tức nội bộ, bạn có thể chọn văn phong thoải mái, hài hước một chút cho gần gũi với các đồng nghiệp của mình.
Chủ đề tin thuộc nhóm cảm xúc nào? Chúc mừng thăng chức, đạt thành tích mới thì hẳn phải dùng văn phong trang trọng pha lẫn vui mừng. Tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn thì chắc chắn phải có chút nghiêm trọng. Nhưng cũng là khó khăn mà bạn muốn động viên mọi người nỗ lực vượt khó thì lại là chuyện khác. Tin tức không cho phép chúng ta đưa các tính từ cảm xúc vào, nó làm mất tính khách quan. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể thể hiện cảm xúc bằng nhịp điệu, cấu trúc câu...
Bạn sẽ thể hiện nội dung này bằng công cụ và truyền thông nào? Báo viết, báo nói hay báo hình, trang tin điện tử hay mạng xã hội, Facebook hay Zalo, Instargram, … Vì mỗi kênh, thậm chí là mỗi trang, mỗi chuyên mục tin tức đều có đối tượng đọc giả riêng của mình. Vì vậy bạn cần xác định kênh để tùy biến phong cách, giọng điệu sao cho phù hợp, cho dù bạn chỉ nói một thông tin duy nhất.
Trên đây là vài kinh nghiệm nho nhỏ của tôi trong quá trình viết tin PR cho báo chí lẫn doanh nghiệp. Nếu công việc của bạn cần viết tin tức thường xuyên mà bạn chưa được đào tạo một khóa bài bản nào về nghiệp vụ viết tin thì tôi nghĩ bạn cần rèn luyện nhiều. Hãy chọn cho mình một khóa học uy tín để học và bảo đảm rằng họ kèm cặp, chỉnh sửa cho bạn ít nhất là trong 3 tháng, tương đương 100 ngày liên tục.
Hoặc bạn có thể tham khảo dịch vụ hướng dẫn viết lách và PR của tôi tại đây.
Comentários