Trong bộ phim The GhostWriter (bản 2010), khi nhân vật chính được cảnh sát trưởng hỏi mối quan hệ giữa anh với nhân vật thủ tướng Anh – Adam Lang, anh đã trả lời một cách nhanh gọn và tự tin “Tôi là hồn ma (the ghost) của ông ấy!”. Thấy viên cảnh sát ngạc nhiên nhìn mình, anh mới sửa lại cho rõ ý hơn “Tôi là người chấp bút (the ghostwriter) cho cuốn hồi ký của ông ấy!”. Bộ phim cùng với nhân vật chính có niềm tự hào lớn lao với nghề chấp bút đã gieo vào lòng tôi một niềm tin đầy hứng khởi cho ước mơ thuở thiếu thời của mình.
Ngày ấy, tôi đã yêu viết lách và chọn những ngành nghề liên quan đến viết lách làm con đường lập nghiệp. Ngày ấy, dù chưa biết chấp bút là gì, tôi đã mơ được làm công việc nghe người khác kể lại câu chuyện cuộc đời họ và viết thành sách. Qua gần 20 năm làm nghề PR, đứng sau hàng trăm bài phát biểu, bức thư, thông điệp, hàng ngàn bài báo, bài blog, bài post… không được ký bằng tên của mình mà là tên giám đốc này, doanh nghiệp nọ, tôi vẫn không ý thức được rằng mình đang chấp bút. Tôi chỉ biết rằng mình được trả công để làm việc đó. Tôi đơn giản tìm thấy niềm vui với công việc chữ nghĩa, bất kể có danh phận hay không.
Trước đây, tôi cũng như nhiều người khác, có chút sai lầm trong suy nghĩ về định nghĩa “The ghostwriter”. Người ta vẫn hay chuyển ngữ một cách trực tiếp từ này thành “nhà văn ma”. Nó không có gì sai nhưng dễ làm người ta liên tưởng đến những con người làm việc âm thầm trong bóng tối, không được thừa nhận, chẳng có chút vẻ vang.
Chính vì vậy, dẫu có đang làm việc một phần hay toàn phần như một “cây viết ma”, một số người vẫn không thừa nhận hoặc như tôi, không ý thức một cách rõ ràng vai trò thực thụ cũng như ý nghĩa to lớn về công việc mà mình đang làm. Nói cách khác, người làm PR hay sáng tạo nội dung đang đứng rất gần với người chấp bút. Khác chăng là sản phẩm chấp bút khác nhau mà thôi.
Viết ẩn danh cho một website, một blog, một fanpage hay một quyển sách thì đều là chấp bút cả. Và nó không có gì là đen tối như chữ “ma” mà mọi người thường gán cho. Gần đây tôi mới thấu hiểu rõ ràng điều nay khi tham dự một hội thảo nhỏ về nghề chấp bút. Lúc đó tôi mới vỡ lẻ, nghề chấp bút cũng như bao nghề viết khác, rất lương thiện, rất triển vọng và tôi đã là một phần của thế giới này mà tôi không hề hay biết.
Triển vọng có thể nhìn thấy rõ ràng nhất từ nghề chấp bút chính là thu nhập có được từ nó không hề thua kém bất kỳ nghề nào.
Tại hội thảo trên, tôi được gặp gỡ những “nhà văn ma” rất trẻ và rất thành công. Nổi bật nhất trong số đó là Linh Phan, một tác giả có kinh nghiệm 20 năm viết lách, 10 năm làm ghostwriter và là tác giả của 10 đầu sách.
Kế đến là Hoàng Hạnh, ngoài cơ duyên được chấp bút sách, cô gái trẻ này còn mở thêm dịch vụ xuất bản sách từ A đến Z.
Tiếp theo là Nguyễn Thiên Ý, một cô "ma mới" trẻ măng, đến với nghề từ những lần chấp bút nội dung cho các fanpage, giờ đã có cơ hội chấp bút cho cuốn sách đầu tiên.
Cuối cùng là tôi – Ánh Ấm Áp. Ngay khi hiểu rõ những gì mình đang làm, gắn kết nó với nghề chấp bút, tôi đã hiểu giờ là lúc quay lại với giấc mơ đời mình. Và tôi đã có ngay hai cơ hội để chấp bút cho những cuốn sách đầu tiên trong cuộc đời làm “ma viết” của tôi. Dường như chắc chắn rằng con đường của mỗi chúng ta ngay từ đầu đã được vạch sẵn, nhanh hay chậm chẳng qua là do niềm tin và lòng can đảm theo đuổi đến cùng của mỗi người.
Tất cả chúng tôi đều có thể khẳng định với bạn rằng đây là một nghề chân chính với mức thu nhập tốt. Chúng tôi được trả thù lao xứng đáng cho sự giấu mặt của mình sau những tác phẩm và chúng tôi tự hào về điều đó.
Bạn đoán xem thu nhập khả dĩ của một người chấp bút tốt và có năng suất là bao nhiêu? 30.000.000đ/tháng là một con số hoàn toàn khả thi. Và tôi tin đây là con số mơ ước với nhiều bạn trẻ muốn đến với nghề viết. Không những thế, nếu có nhiều kinh nghiệm, về lâu dài, người chấp bút còn có cơ hội làm việc với những thân chủ nổi tiếng như nhân vật thủ tướng trong bộ phim “The ghost writer”, chỉ với một cuốn sách trong một tháng và thu về ¼ triệu USD.
Nghe có vẻ rất lý tưởng nhưng khoan hãy mừng vội, chúng ta cần xem xét các điều kiện cần và đủ để có thể trở thành một “ghostwriter” thực thụ.
Điều kiện đầu tiên đương nhiên là viết tốt. Thứ hai là biên tập tốt. Không chỉ lỗi chính tả, nó còn là cấu trúc, logic, chọn lọc chất liệu…
Điều kiện tiếp theo là tính linh hoạt. Người chấp bút cần tùy biến giọng văn sao cho phù hợp với tính cách và thế giới quan của thân chủ. Trong cuộc sống, làm một người ba phải, gió chiều nào xuôi chiều ấy thì chẳng hay ho chút nào. Nhưng trong chấp bút, “ba phải” là một cách hay để người viết thoát khỏi cái tôi của mình, dễ dàng chấp nhận quan điểm của đối phương, sẵn sàng hóa thân vào câu chuyện của thân chủ để viết bằng văn phong mới mẻ, phù hợp.
Một kỹ năng khác, quuan trọng không kèm, là người chấp bút cần biết cách giao tiếp khéo, đặt câu hỏi và lắng nghe câu chuyện của thân chủ, khai thác những góc cạnh đặc biệt trong câu chuyện một cách khách quan và không phán xét. Giống như nhân vật viết thuê trong bộ phim The ghostwriter, anh ấy đã không phán xét thân chủ của mình ngay cả khi ông này bị nghi ngờ là tội phạm chiến tranh. Mối quan hệ hợp tác giữa thân chủ và “hồn ma” cần được xây dựng trên sự tin tưởng lẫn nhau. Tất nhiên, người chấp bút có quyền từ chối viết nếu cảm thấy tư duy, quan điểm của mình và thân chủ có sự xung đột hay đi ngược lại giá trị đạo đức của bản thân. Nhưng một khi đã chấp nhận trở thành một “hồn ma” cho ai đó với những thỏa thuận lợi ích rõ ràng, thì chúng ta không có quyền phán xét. Chúng ta cần nghe và kể lại câu chuyện như là nó vốn có.
Nói như vậy không có nghĩa là khi chấp bút, người viết “bay màu” bản thân. Người chấp bút có thể thể hiện “linh hồn” của mình một cách thoải mái trong tác phẩm theo nhiều phong cách khác nhau bằng cách chọn chấp bút cho tối đa ba lĩnh vực mà mình có nhiều kiến thức, kinh nghiệm nhất. Như vậy, chúng ta vừa có thể đào sâu kiến thức, vừa có thể biến hóa văn phong trên những chất liệu đã tích lũy theo thời gian.
Tóm lại, một “hồn ma” cũng cần có đạo đức nghề nghiệp. Không phán xét nhưng cũng không thỏa hiệp nếu có những điều đi ngược lại giá trị mà mình theo đuổi. Người chấp bút tìm thấy niềm vui phía sau sự thành công của một tác phẩm dù không được khắc tên mình trên ấy. Đổi lại, ngoài thù lao hậu hĩnh, người chấp bút còn nhận được những lợi ích vô giá từ chính những bài học, trải nghiệm sống của chính thân chủ, đồng thời được bồi đắp kiến thức, kỹ năng từ những lần nhập vai vào những câu chuyện đời khác nhau.
Cuối cùng, có một điều khó khăn ở đây, là làm sao để “hồn ma” bước ra ánh sáng, tiếp cận các thân chủ - những người có nhu cầu được chấp bút?
Có một sự thật rằng người có nhu cầu được chấp bút hiếm khi bày tỏ nhu cầu của mình một cách công khai. Một doanh nhân thành đạt, một người nổi tiếng, một người có sức ảnh hưởng… đều có nhu cầu chấp bút như:
Sáng tạo nội dung cho website/blog/fanpage mang tên mình.
Viết những ý tưởng của mình thành văn bản một cách mượt mà và công khai nó ở những nơi cần thiết. Giống như nhân vật viết thuê trong “The GhostWriter”, không chỉ chấp bút sách, anh ấy còn chấp bút bài phát biểu của nhân vật thủ tướng để gửi đến các cơ quan thông tấn khi xảy ra khủng hoảng truyền thông và chính trị.
Đỉnh cao là xuất bản những cuốn sách mang tên mình để quảng bá thương hiệu hoặc truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ đang cung cấp.
Thậm chí, ngay cả một người không có tiếng tăm nhiều trong xã hội nhưng có trải nghiệm sống phong phú, có câu chuyện đời hấp dẫn cũng mong muốn có cuốn sách của riêng mình, ghi lại những trải nghiệm của mình để thành di sản cho con cháu và người đời sau.
Có điều không may là những người có câu chuyện hay lại thường bận rộn hoặc không thuần thục kỹ năng viết lách. Đó là lúc cần đến một người chấp bút.
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của ngành xuất bản và văn hóa đọc, nhu cầu quảng bá thương hiệu, thị trường viết lách nói chung cũng như nghề chấp bút nói riêng ở Việt Nam đã sôi nổi lên rất nhiều. Điển hình là một số nhà xuất bản, doanh nghiệp và cả người viết chuyên nghiệp cũng đã công khai chào hàng dịch vụ chấp bút. Dù vậy, để một người chấp bút phù hợp với một người có nhu cầu chấp bút tìm thấy nhau không phải là chuyện đơn giản. Nó cần phải trải qua thời gian khảo nghiệm, làm quen từ những tác phẩm chấp bút nho nhỏ đến lớn dần. Giống như những gì mà chúng tôi – những người đang chấp bút cho người khác từng làm.
Ví dụ, đầu tiên là viết bài giới thiệu, bài phát biểu. Kế đến là viết nội dung post Facbook ngắn rồi đến viết bài blog, bài báo dài. Cuối cùng mới đến những cuốn sách vài mươi ngàn chữ. Lúc đó, người chấp bút đã quen với phong cách của thân chủ thì việc viết dài sẽ không mấy khó khăn.
Tôi hy vọng thông qua bài viết này, bạn trẻ thích nghề PR, yêu viết lách có thêm một định hướng nghề chấp bút để chọn lựa và theo đuổi. Tôi cũng hy vọng những anh chị đang tìm kiếm người chấp bút cho riêng mình có thêm thông tin tham khảo để đưa ra những chọn lựa hợp tác phù hợp.
Anh chị có thể tìm kiếm trên Google các thông tin dịch vụ chấp bút hoặc tham khảo dịch vụ của tôi tại đây.
Comentarios