top of page
Ảnh của tác giảÁnh Ấm Áp

Lê Thị Thanh Lâm: người xây thương hiệu

Đã cập nhật: 28 thg 7, 2022



Đọc tiêu đề này, chắc là bạn sẽ tò mò hỏi “Lê Thị Thành Lâm là ai mà tôi phải học?” Nếu bạn đem câu này hỏi bác Google, bạn sẽ nhận được 65.700 kết quả trong vòng 0.44 giây. Rất nhiều bài báo do chị viết hoặc người khác viết về chị sẽ hiện ra. Trong số đó, nhiều bài sẽ cho bạn biết chị là một nữ doanh nhân thành đạt, nguyên là Phó Tổng giám đốc Sài Gòn Food – một công ty nổi tiếng trong ngành thực phẩm và thủy sản đông lạnh.

Nếu bạn yêu thích sách, có thể bạn đã đọc các tác phẩm của chị - Người Thả Diều xuất bản năm 2017 và Người Dẫn Chuyện xuất bản năm 2020, cả hai đều xoay quanh chủ đề xây dựng thương hiệu.

Nếu bạn tìm con đường lập nghiệp, có thể bạn đã gặp chị ở Hội đồng Khởi Nghiệp Quốc Gia Khu Vực Phía Nam hay là ở một cuộc thi khởi nghiệp do chị ngồi ghế ban giám khảo.

Nếu bạn đang tìm cho mình một người cố vấn định hướng sự nghiệp, hẳn bạn cũng có thể gặp chị trong cộng đồng Mentoring nào đó tại Việt Nam, vì chị thường làm nhiều vai trò trong các cộng đồng này: cố vấn ban điều hành, cố vấn cho mentee và cố vấn cho cả mentor.

Còn nếu bạn cần người thật việc thật đã chứng kiến cách chị xây thương hiệu thành công thì người đó là tôi – người cùng làm việc với chị suốt 4 năm, trước khi chị rời Sài Gòn Food để thực hiện những dự án riêng như hoạt động cộng đồng nhiều hơn, dành thời gian cố vấn nhiều hơn và ở bên gia đình nhiều hơn.



Đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn cho rằng về Sài Gòn Food và làm việc dưới sự dìu dắt của chị Lê Thị Thanh Lâm là một quyết định vô cùng sáng suốt của mình. Chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã phát triển theo cấp số nhân, từ một chuyên viên lẹt đẹt trở thành trưởng bộ phận, từ một tư duy “sống nay biết mai” đến tư duy định vị thương hiệu. Con đường tương lai và những mục tiêu của tôi bỗng trở nên hết sức rõ ràng, như có thể cầm nắm được.

Tôi tin rằng nếu bạn được tiếp cận cách xây thương hiệu của chị Lê Thị Thanh Lâm, bạn cũng sẽ gặt hái nhiều thành quả như tôi, hoặc có khi là hơn cả tôi ấy chứ. Cùng xem nhé:

1. Về tư duy:

- “Thương hiệu là cái hiệu mà người ta thương, người ta càng thương thì thương hiệu càng mạnh.” Chỉ một lần nghe qua định nghĩa này của chị, tôi đã hiểu thương hiệu không phải là cái gì xa vời, bất kỳ ai cũng có thể xây dựng thành công nếu đi đúng hướng và chăm chỉ thực hành. Làm cho người ta thương, nói dễ nhưng làm không đơn giản. Muốn người ta thương hẳn nhiên mình phải thương người ta trước, thương thật lòng, thương không tính toán, là phải cho đi. Vấn đề là bạn có gì để cho đi không? Tôi nghĩ là có đấy, bạn không giàu có để cho tiền bạc thì hãy cho bằng chính kiến thức, kỹ năng, sức lực của mình, cho bằng tấm lòng sẻ chia, luôn hướng về người khác, hoàn thành nhiệm vụ hơn mức kỳ vọng của mọi người.

“Cuộc đời là cánh diều và bạn là người thả diều, hãy thả nó theo ý của bạn”. Hình ảnh ví von này được chị Thanh Lâm đưa ra trong chương trình đào tạo thương hiệu cá nhân dành cho bạn trẻ. Qua chia sẻ của chị tôi nghiệm ra rằng, thả diều là một nghệ thuật và người thả diều là một nghệ sĩ. Muốn diều bay cao cần có sợi dây dài, cần biết canh hướng gió, cần chất liệu làm diều tốt,… và quan trọng nhất là cần xác định con diều của mình bay bao xa, cao bao nhiêu. Tương tự, muốn định vị cuộc đời mình, hẳn nhiên bạn phải có mục tiêu, phải biết chắc chắn mình muốn bay cao bay xa đến mức độ nào, hành trang của bạn là gì, bạn có nắm bắt được nhu cầu xã hội, nhu cầu thị trường không. Những câu hỏi ấy, bạn có thể điều chỉnh theo thời gian nhưng nhất định phải có ngay từ khi vào đời. Thời của thế hệ 8X chúng tôi, không ai nói với chúng tôi về điều đó, nó như một bí mật thành công mà chỉ số ít người may mắn mới tiếp cận được. Chúng tôi toàn tự bước đi theo quan niệm sống của riêng mình, hoang mang và vất vả. Bạn trẻ bây giờ may mắn lắm, tư duy đã sớm biết từ đầu nên tôi tin các bạn sẽ thành công sớm nếu kiên trì và có mục tiêu rõ ràng, có lý tưởng cao đẹp.

“Làm chủ hay làm thuê không quan trọng. Quan trọng chính là làm chủ cuộc đời, làm chủ bản thân mình, quán xuyến được công việc và bảo toàn được thế giới nội tâm của mình.” Trong bối cảnh hừng hực khí thế “quốc gia khởi nghiệp” như ngày nay, phải chăng câu nói này của chị Thanh Lâm đi ngược với thời cuộc? Tôi lại cho rằng nó rất phù hợp với thời cuộc. Bạn thích khởi nghiệp, bạn muốn làm chủ nhưng bạn không có kinh nghiệm, bạn ít kiến thức, bạn thiếu kỹ năng, tư duy cũng chưa chín muồi, vậy thì bạn sẽ nhận được kết quả gì khi khởi nghiệp? Đó là lý do vì sao những số liệu thống kê về khởi nghiệp thất bại luôn cao hơn con số thành công. Chị ấy chỉ muốn nhắc bạn “chậm mà chắc”, làm chủ bản thân rồi thì thành công sớm muộn gì cũng sẽ đến với bạn thôi.

2. Về thái độ

Tích cực là chìa khóa. Tích cực học hỏi. Tích cực làm việc. Tích cực cống hiến. Đó là thái độ đúng đắn duy nhất mà bạn cần mang theo trong hành trang vào đời. Bạn đâu biết được người sếp tiếp theo của mình là ai, nhân viên tiếp theo của mình là ai, khách hàng tiếp theo của mình là ai. Vậy nên cứ đem một thái độ cầu thị tích cực để đối đãi với tất cả mọi người. Chắc chắn điều bạn nhận về sẽ là niềm tin và mạng lưới mối quan hệ tốt đẹp để hỗ trợ bạn ở bất kỳ khúc quanh nào trong cuộc đời.

3. Về phương pháp:

Có nhiều cách để xây dựng thương hiệu và điểm mấu chốt là phải thực hành nó mỗi ngày, nhưng phải chú ý đến chất lượng chứ không phải số lượng. Hãy xem danh sách bên dưới và thực hiện ngay, đừng chần chờ. Con diều đời bạn chỉ bay được khi bạn bắt đầu học cách thả diều bằng tất cả lòng quyết tâm của mình:

  • Chăm sóc bản thân: từ bên trong ra bên ngoài, từ đầu đến chân, từ trong nhà ra ngoài đường, từ suy nghĩ đến lời nói,… luôn luôn chỉn chu. Muốn có thương hiệu tốt, đây là việc trước tiên bạn phải chú tâm thực hiện. Đã có nhiều người nổi tiếng bị “rớt đài” – thương hiệu giảm sút chỉ vì trước sau bất nhất, trong ngoài khác biệt. Bởi khi có thương hiệu thì đời tư của bạn, chuyện trong nhà của bạn, quá khứ của bạn cũng sẽ thành mối quan tâm của rất nhiều người. Ví dụ như, bạn không thể nói “Tôi thích đọc sách” mà trong nhà không có quyển sách nào, bạn không thể ra ngoài xinh đẹp nhã nhặn mà ở nhà xồ xề, ăn nói lỗ mảng,…

  • Viết thư: bạn có hay viết thư cho bạn bè, đồng nghiệp, người yêu hay khách hàng không? Thử xem, một lá thư chân thành có thể giúp bạn cải thiện hoặc bồi đắp một mối quan hệ lên một tầm cao mới đấy.

  • Viết status trên mạng xã hội: chắc hẳn bạn đã có ít nhất một tài khoản trên Facebook, Instargram, zalo,… hãy chia sẻ những điều thú vị lên đó một cách thường xuyên và tích cực. Thương hiệu của bạn dần sẽ thành hình ngay cả trên cộng đồng ảo.

  • Viết báo: Báo chí là cơ quan ngôn luận uy tín, nếu bạn có bài đăng trên một tờ báo dù là nhỏ thôi, cũng là một bảo chứng tốt đẹp cho thương hiệu của bạn.

  • Nói trước công chúng: nói cũng như viết, là thước đo quan trọng đối với thương hiệu cá nhân. Hãy nhìn xem, hầu hết những người thành đạt đều làm rất tốt cả hai kỹ năng này. Khi đứng trong một đám đông, bạn không lẫn với bất kỳ ai nếu nói tốt. Đó có thể là một phát biểu ngắn gọn tại một sự kiện, cơ hội được trình bày tại một hội thảo hay là giảng viên trong một chương trình đào tạo. Để nói thuyết phục bạn cần có sự chuẩn bị chu đáo, học tập và rèn luyện thường xuyên.

  • Cố vấn: Khi đã đạt một thành tựu nhất định trong cuộc đời, người xây thương hiệu thường có nhu cầu cho đi, lúc này vai trò cố vấn là vô cùng phù hợp. Lưu ý, đây là chữ “cố vấn” trong mentoring – người có kinh nghiệm sống sẵn lòng chia sẻ cho một người trẻ lập nghiệp. Khi cố vấn cho người khác, bạn không đơn giản là người cho đi mà còn là một người nhận vì sẽ có thêm những mối quan hệ thân thiết trong mạng lưới mối quan hệ của mình cũng như học hỏi, hiểu biết thêm về tư duy, lối sống của thế hệ đi sau. Tôi chắc chắn nó cũng mới lạ và thú vị chẳng kém gì những câu chuyện cuộc đời mà bạn kể cho họ.

Có một điểm chung của những người thành đạt, đó là sự cho đi. Chị Thanh Lâm cũng vậy “Giá trị thực sự của một doanh nhân chính là những gì đóng góp cho xã hội”. Trong khoảng thời gian tôi làm việc cùng chị đã thống kê mỗi năm chị có hơn 300 giờ chia sẻ dưới nhiều hình thức như đào tạo, diễn giả, giám khảo,…, thêm 60 giờ cố vấn riêng (mentoing) cho người trẻ cùng nhiều hoạt động khác. Vậy nên, có câu nói rằng, nếu thương hiệu của bạn chưa đủ mạnh, chắc hẳn là vì bạn cho đi chưa đủ nhiều. Chỉ có một cách là chúng ta tiếp tục học tập, tiếp tục cho đi nếu muốn tên mình được nhắc đến nhiều hơn trong thế giới này.

205 lượt xem2 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

2 Comments


Vân Anh Lê Thị
Vân Anh Lê Thị
Nov 03, 2021

Em đã đọc 2 quyển sách của cô Lâm lại càng ấn tượng hơn với cách chị viết, vừa tình cảm lại cô động. Giọng đọc truyền cảm, mạch lạc. Cảm ơn chị, một bài viết về cô Lâm tuyết vời!❤️

Like
Ánh Ấm Áp
Ánh Ấm Áp
Nov 03, 2021
Replying to

Cảm ơn bạn đã ủng hộ bài viết. Mình muốn truyền đi năng lượng tích cực và kinh nghiệm của chị Lâm đã có thêm nhiều bạn trẻ thành công như chị ấy :)

Like

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nội dung mới sẽ được cập nhật vào thứ sáu hàng tuần. Bạn có thể chủ động quay lại xem hoặc để lại email, tôi sẽ gửi bạn thông tin khi có bài viết mới.

Tôi đã nhận được email của bạn. Cảm ơn bạn vì đã đồng ý kết nối.

bottom of page