top of page

PR: hướng nội hay hướng ngoại?

Hôm trước giao lưu về ngành PR với Trường Cao đẳng Sài Gòn, có bạn sinh viên hỏi: “Em là người hướng nội mà công việc PR hình như phù hợp với người hướng ngoại. Vậy em có nên học và theo đuổi ngành này không?”



Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ lại thời tre trẻ của mình cách đây hơn 10 năm. Lúc ấy tôi còn ngơ ngác lắm mà cũng kiêu hãnh lắm, vì làm ở đâu cũng được khen. Tôi tự tin “vác” đơn đi ứng tuyển vị trí chuyên viên PR ở một công ty đồ gia dụng khá lớn. Sau một hồi bị “quay” bởi rất nhiều câu hỏi về công việc, chị tuyển dụng bất chợt hỏi một câu “Xem cách em nói chuyện, rõ ràng em là người hướng nội, vậy sao em có thể làm tốt một công việc rất hướng ngoại là truyền thông?” Tôi ú ớ, ấp úng, lúng túng. Tôi không biết chị ấy nhìn thế nào mà đưa ra kết luận tôi là người hướng nội. Trong đầu tôi vô thức có sự phản kháng. Tôi lập tức phản biện. Rằng mình hướng ngoại trăm phần trăm. Rằng mình xông xáo qua bao nhiêu công việc. Và rất nhiều lập luận khác. Chị ấy nghe và cười, không nói gì thêm.


Kỳ phỏng vấn ấy, tôi không trúng tuyển. Nó trở thành nỗi ám ảnh trong tôi suốt một thời gian dài. Không phải vì không được tuyển vào nơi mình muốn mà là tôi bị ám ảnh bởi câu hỏi “Tôi là người hướng nội hay hướng ngoại?” Đôi khi con người ta cứ hay tự dằn vặt mình vì những phán xét từ bên ngoài, bất chấp nó có lý hay vô lý.


Giờ đây, khi đã thêm 10 năm tuổi nghề, tuổi đời, nếu có cơ hội được gặp chị tuyển dụng năm xưa, hẳn tôi sẽ có câu trả lời thích đáng. Tôi sẽ hỏi lại chị ấy rằng chuyện tìm kiếm mình là ai, phân biệt hướng nội hay hướng ngoại, có quan trọng không? Bởi suy cho cùng, trong hay ngoài, nội hay ngoại đều là tôi trong một thể thống nhất, có cả tốt và xấu, tích cực và tiêu cực, tràn đầy năng lượng và thỉnh thoảng yếu mềm.Nó sẽ không quan trọng bằng việc tự hỏi mình làm sao để sử dụng, trau dồi, phát huy và trở thành cái người mà mình mong muốn, làm công việc mà mình ao ước.


Mà thật ra, khoa học đến nay đã chứng mình giữa kiểu người hướng nội và hướng ngoại, còn một kiểu người nữa, gọi là “Ambiversion”. Họ có thể thấy thoải mái trong những đám đông hoặc ưa thích giao lưu, nhưng cũng cần tận hưởng thời gian một mình và tránh xa những đám đông. Là tôi đó.


Vậy nên, bây giờ, nếu bạn hỏi tôi hướng nội hay hướng ngoại thì thích hợp làm PR hơn, tôi sẽ trả lời là cả hai. Vì sao?


Xét về hướng ngoại, bạn sẽ phù hợp với một phần công việc PR là giao tiếp rộng rãi với bất kỳ ai, tổ chức sự kiện tưng bừng, … bởi có các nét tính cách:

  • Thích sự chuyển động, giao lưu, bạn bè nhiều.

  • Thích tiệc tùng, đám đông, hoạt động cộng đồng.

  • Lạc quan, nhiệt tình, cởi mở.

  • Quyết đoán.

Xét về hướng nội, bạn sẽ phù hợp với một phần công việc khác của PR là viết lách, sáng tạo nội dung, quan hệ báo chí và cơ quan ban ngành, lập kế hoạch, tư duy chiến lược, xử lý khủng hoảng… vì có các nét tính cách:

  • Trí tưởng tượng phong phú.

  • Ít giao tiếp nhưng có các mối quan hệ chất lượng.

  • Kín đáo, cẩn trọng.

  • Tập trung, đáng tin.

  • Quan sát kỹ trước khi tham gia.

  • Phân tích kỹ trước khi quyết định.

Với một người làm PR mà nói, ồn ào hay lặng lẽ, lao xao hay yên tĩnh đều cần thiết. Làm PR là đứng giữa mọi người, là dấu gạch nối giữa nhiều mối quan hệ nên cầm lắm sự biến hóa đa dạng. Nếu bạn “một màu”, bạn sẽ khó đáp ứng yêu cầu công việc vô cùng đa dạng của PR. Hơn thế, cuộc đời vốn phong phú, sao lại tự giới hạn mình?


13 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nội dung mới sẽ được cập nhật vào thứ sáu hàng tuần. Bạn có thể chủ động quay lại xem hoặc để lại email, tôi sẽ gửi bạn thông tin khi có bài viết mới.

Tôi đã nhận được email của bạn. Cảm ơn bạn vì đã đồng ý kết nối.

bottom of page