Trong vai trò là một mentor* cho các bạn sinh viên chuẩn bị ra trường, tôi gặp kha khá các bạn mentee** hỏi về nghề PR. Một ngày, có bạn hỏi rằng “Em nghe nói nghề PR khá tai tiếng nên em băn khoăn không biết có nên theo đuổi. Chị là người trong nghề, chị có thể cho em biết vì sao chị yêu thích và làm nghề này không?”
Tôi có phải là PR đen không?
Thật sự thì lúc ấy tôi khá bất ngờ với câu hỏi của em. Ngay lập tức, tôi tự vấn “Mình có làm gì tai tiếng, đen tối không ta?”. May quá, khi nhìn lại bao nhiêu năm làm nghề, tôi an tâm là mình chưa từng tham gia một chiến dịch PR “tai tiếng” bao giờ (hoặc chẳng bao giờ những người muốn nổi tiếng bằng tai tiếng tìm đến với tôi, vì biết nó sẽ không làm được). Nhìn qua xung quanh bạn bè tôi cũng vậy (nếu có, chắc họ đã không còn là bạn của tôi). Chúng tôi chỉ nhìn về một hướng là đem điều tốt đẹp cho công chúng của mình. Giới thiệu sản phẩm tốt. Quảng bá dịch vụ tốt. Có lúc rầm rộ. Có lúc âm thầm. Nhưng chúng tôi luôn hãnh diện với nghề nghiệp của mình bởi luôn hướng đến một tiêu chí duy nhất là đem những thông tin mới, kiến thức mới đúng sự thật cho mọi người.
Có lần viết một bài PR cho sản phẩm mới, chị sếp cũ của tôi đọc xong thì cười bảo “Em viết thật quá, hèn chi không làm quảng cáo được”. Vâng, tôi thừa nhận mình không thể làm quảng cáo theo kiểu thậm xưng, quá lố. Tôi chỉ nỗ lực viết về sản phẩm/dịch vụ bằng chính sự hiểu biết của mình với những đặc tính, công dụng, lợi ích vốn có của nó. Có chăng, tôi làm cho những thông tin ấy dễ hiểu hơn, gần gũi hơn, tiếp cận đến nhiều người hơn.
Trắng và đen, trái và phải, ai là người chọn?
Người trong ngành PR đều biết khái niệm về PR trắng và PR đen. Như dịch giả Nguyễn Đình Thành phân biệt “PR trắng gây hiệu ứng lan tỏa vòng tròn như viên đá ném xuống nước. PR đen gây hiệu ứng boomerang, nó sẽ đập vào danh tiếng của chính chủ thể ấy. PR trắng mang lại sự hữu ích cho đối tượng công chúng mục tiêu nên được tôn trọng, PR đen dùng sự lừa gạt hoặc thổi phồng hoặc lố bịch thu hút sự chú ý của công chúng. Nhưng sau đó công chúng sẽ nhận ra và lãng quên nhanh chóng vì trên thực tế nội dung đó không hay, không thiết thực, không có ích với họ.”
Vậy đó, trắng và đen chẳng qua là mặt phải và mặt trái của một nghề nghiệp. Mà đâu riêng gì PR, nghề nào chẳng có mặt trái. Chúng ta, những người tin vào tính thiện của con người, hẳn nhiên sẽ không dễ dàng lung lay, bỏ sáng theo tối. Tôi tin vậy.
Nói chuyện đen trắng, tôi lại nhớ đến vở múa ballet Hồ Thiên Nga (1875) của Tchaiskovsky và bộ phim điện ảnh Thiên Nga Đen (2010) của đạo diễn Darren Aronofsky. Nếu cô Thiên Nga Trắng trong vở múa kinh điển chết đi cho một tình yêu bất tử, thánh thiện thì cô Thiên Nga Đen trong bộ phim hiện đại lại bị giết chết bởi chính cái tôi đen tối, tiêu cực, xấu xa xuất phát từ chính khát khao danh vọng bên trong mình.
Khi con người có quá nhiều tham vọng và những cám dỗ về quyền lực, tiền tài, vật chất, người ta sẽ xa rời tính thiện, xa rời bản ngã của mình và biến thành Thiên Nga Đen. Cho nên, nghề PR cũng như bao nghề nghiệp khác không có lỗi. Lỗi hay không là do động cơ và cách thực hiện của con người. Đó chính là lý do hầu như bạn học ngành nào cũng có một môn là đạo đức của người làm nghề.
Ví như ngày xưa tôi học ngành báo chí thì có môn “Đạo đức người làm báo”. Tôi ý thức được rằng ngòi bút của mình có sức nặng và quan trọng đối với công chúng. Với vai trò định hướng, thậm chí là giáo dục công chúng, chúng ta – những người hành nghề - không được phép lừa dối, nói sai sự thật. Chúng ta có trách nhiệm với tổ chức/cá nhân trả lương cho mình nhưng càng có trách nhiệm cao hơn với người đọc.
Trải và phải vẫn tồn tại song song. Cũng như trắng và đen, ánh sáng và bóng tối vẫn luôn cùng hiện hữu. Chúng ta có thể không làm cho thế giới trắng hoàn toàn hay chỉ có ánh sáng, nhưng chúng ta có thể góp phần làm cho phần sáng nhiều hơn.
----
* và ** là hai vai trò chính trong hệ sinh thái Mentoring, một hình thức đào tạo đặc biệt với người định hướng – mentor và người được định hướng – mentee sẽ có những buổi gặp gỡ 1:1 định kỳ để trao đổi và học hỏi về một chủ đề cụ thể.
Comments