top of page
Ảnh của tác giảÁnh Ấm Áp

Quan hệ báo chí có phải là chơi với… cọp ?

Người làm nghề PR có hai vũ khí tối thượng. Chỉ cần thuần thục hai vũ khí này, bạn sẽ dễ dàng hành nghề và tiến xa với nghề. Bạn có biết là gì không? Một là mối quan hệ, hai là viết lách.

Trước đây, tôi từng nghĩ viết lách phải là vũ khí quan trọng đầu tiên mà nghề PR cần có. Nhưng theo sự biến đổi của thời cuộc, thứ tự này đã đổi chiều. Mối quan hệ là cực kỳ quan trọng với người làm PR. Chỉ khi có nhiều mối quan hệ tốt, người làm PR mới có nhiều thông tin tốt và cung cấp đúng thời điểm, đúng đối tượng. Như vậy chúng ta mới có giá trị trong mắt các bên liên quan, từ nội bộ của tổ chức ra cả bên ngoài. Có thông tin rồi, chúng ta mới sử dụng đến vũ khí thứ hai để truyền đạt thông điệp theo đúng ý mình.

Trong rất nhiều mối quan hệ phức tạp mà một người làm PR cần phải thiết lập một cách bền vững thì quan hệ báo chí hay nói rộng hơn là quan hệ với những người làm nội dung có sức ảnh hưởng là việc đáng lưu tâm.



Trước tiên, hãy nhìn nhận quan hệ báo chí là một mối quan hệ. Nó cần được thiết lập và giữ gìn theo các nguyên tắc cơ bản để xây dựng mối quan hệ tích cực:

  1. Luôn thành thật. Niềm tin là cái khó xây nhưng dễ phá. Đừng làm quen với bất kỳ ai vì muốn lợi dụng, mánh khóe hay giả dối. Người ta sẽ sớm nhận ra.

  2. Luôn giữ chữ tín. Đừng hứa nếu bạn không chắc sẽ thực hiện được. Lời hứa và cách bạn thực hiện lời hứa của mình chính là thước đo của niềm tin.

  3. Luôn tử tế. Đối xử với người khác như cách mà bạn mong muốn họ đối xử với mình. Bạn có muốn người khác nhớ sinh nhật mình và gửi lời chúc mừng không? Bạn có muốn người khác an ủi khi thấy bạn buồn không? Bạn có muốn ai đó giúp đỡ khi bạn gặp khó khăn không? Chỉ khi bạn trả lời có cho những câu hỏi tưởng chừng nhỏ nhặt này, bạn mới thật sự có một mối quan hệ tốt.

  4. Luôn cởi mở. Tự nhiên bày tỏ kiến thức, thái độ, cảm xúc như mình vốn có. Không phô trương cũng không dè dặt. Như vậy, bạn không cần che đậy bất kỳ điều gì trước bất kỳ ai. Bạn sẽ sáng vui vẻ đi làm, chiều vui vẻ về nhà, tối vui vẻ ngủ thẳng giấc.

  5. Luôn cho đi. Không có nghĩa là bạn phải giàu có và cho đi của cải vật chất. Sự cho đi được hiểu đơn giản là tất cả kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, thái độ mà bạn sẵn lòng chia sẻ. Một kiến thức bạn mới học, một kỹ năng bạn thuần thục, một điều gì đó mà bạn am tường, … tất cả đều có thể cho đi và không cần đong đếm, không cần đền đáp. Rất nhiều người thành công đã nói về gí trị của sự cho đi trên hành trình trở nên giàu có của họ. Và tôi tin nó trước tiên sẽ rất giá trị để bắt đầu một mối quan hệ.

Đặt những nguyên tắc trên trong mối quan hệ giữa PR và báo chí, nó sẽ đòi hỏi sự nỗ lực của chúng ta cao hơn một chút, bởi vì đây là những người đặc biệt. Họ nắm trong tay những công cụ đặc biệt nên từ rất lâu họ được gọi là “quyền lực thứ tư”, chỉ đứng sau các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp của nhà nước. Bài viết của một tờ báo uy tín, một phóng viên uy tín có thể làm khuynh đảo thị trường kinh tế, đổi màu thị trường chứng khoán, nâng đỡ hay vùi dập bước tiến của một người. Bởi một bài viết của họ có thể được trăm ngàn hoặc thậm chí là triệu lượt người biết đến.

Chính vì họ sở hữu số lượng người hâm mộ khổng lồ nên họ cũng sở hữu những mối quan hệ chất lượng. Nếu bạn từng đọc Đừng bao giờ đi ăn một mình của Keith Ferrazzi, bạn sẽ thấy họ còn được gọi là những người siêu kết nối. Nếu chúng ta có thể kết thân với họ cũng đồng nghĩa có thể kết thân với nhiều giới “khó tính” khác như chính trị gia, nghệ sĩ, doanh nhân, …

Một điều may mắn là kết thân với báo chí không khó như bạn vẫn tưởng. Tuy được đánh giá rất có quyền lực nhưng họ cũng là những người khao khát ý tưởng mới và thường ít người biết tiếng. Rất hiếm nhà báo đạt tầm cỡ ngôi sao đến mức là khó gặp mặt. Cũng trên 5 nguyên tắc xây dựng mối quan hệ nêu trên, áp dụng với báo chí sẽ như sau:

  1. Thành thật với báo chí là cung cấp thông tin đúng sự thật. Đừng bao giờ có ý định lừa dối một nhà báo vì họ có mối quan hệ đủ rộng để phối kiểm thông tin.

  2. Chữ tín với báo chí là đã hẹn thì phải gặp, đã hứa thì phải làm. Nếu thật sự cần phải thay đổi thời gian và nhân vật phỏng vấn, hãy báo trước cho họ để họ tự cân nhắc có nên tiếp tục thực hiện hay không. Vì chữ tín đồng thời cũng tạo nên chất lượng của bài báo và người đứng sau bài báo đó.

  3. Tử tế với báo chí là ngay cả khi bạn không có việc gì phải liên hệ với họ, vẫn nên hỏi thăm sức khỏe, chúc bình an đầu tuần, chúc mừng sinh nhật, mời ăn uống… như một người bạn. Nếu bạn tử tế với họ thì cho dù đâu đó đồn thổi thông tin bất lợi về bạn hay công ty bạn thì họ sẽ là người báo tin cho bạn thay vì đưa thẳng bạn lên mặt báo.

  4. Cởi mở với báo chí là điều khiến họ thích thú và cảm thấy gần gũi, bởi đó cũng là bản tính của họ. Họ không thích màu mè, khoa trương. Cái họ cần là sự thật, là bản chất của sự vật, hiện tượng.

  5. Cho đi với báo chí là sẵn lòng hỗ trợ thông tin bằng hết khả năng của mình. Có những lúc bạn thật sự không thể cung cấp thông tin cho họ, hãy mở lòng chia sẻ khó khăn và nếu được, giới thiệu họ đến một mối quan hệ khác phù hợp cho bài báo của họ.

Cùng với sự phát triển của internet và công nghệ 4.0, quan hệ báo chí đã được hiểu rộng hơn. Không đơn thuần là cơ quan thông tấn chính thống, đó còn là những trang tin tức trực tuyến, là những người làm nội dung tự do có sức ảnh hưởng. Người làm PR, vì thế, cũng cần mở rộng mối quan tâm của mình đến những người này, vì sức ảnh hưởng của họ cũng đang ngày càng mạnh mẽ hơn.

Có một câu hỏi mà người mới vào nghề PR rất lo lắng, đó làm làm sao để tìm thấy và kết nối với những người có sức ảnh hưởng này. Thật ra, câu trả lời lại khá đơn giản, bạn chỉ cần 3C dưới đây:

  1. Chủ động tìm kiếm ở nơi mà họ thường lui tới. Thông thường, giới nào cũng có câu lạc bộ, hội nhóm của họ. Bạn tìm hiểu và mạnh dạn đăng ký tham gia, online hoặc offline đều tốt nhưng cá nhân tôi thì thích gặp mặt trực tiếp hơn, vì sự hiện diện trực tiếp có ý nghĩa rất lớn đối với một mối quan hệ. Ngoài lời nói, bạn còn có thể giao tiếp với họ bằng ngôn ngữ không lời, điều mà theo nhiều nhà nghiên cứu cho biết, nó quyết định đến 80% sự thành công của một cuộc giao tiếp. Những nơi khác giới báo chí thường hay lui tới là các sự kiện chuyên ngành. Bạn muốn thiết lập với nhà báo trong lĩnh vực nào thì tìm hiểu và tham dự các hội thảo, diễn đàn, … của lĩnh vực đó, chắc chắn sẽ gặp. Khi đi nhớ mang theo danh thiếp để giới thiệu bản thân và có cơ hội trao đổi danh thiếp với họ.

  2. Cung cấp thông tin: Nhà báo luôn khao khát và “săn tìm” tin tức mới. Nếu bạn có thể cung cấp những điều mới mẻ thì họ sẽ rất cảm ơn. Hãy soạn một thông cáo báo chí đơn giản liệt kê những điểm mới trong hoạt động của bạn/doanh nghiệp bạn và gửi đến hộp thư của tòa soạn cơ quan báo chí cùng lĩnh vực. Đó cũng là cách để tạo mối quan hệ ban đầu.

  3. Cung cấp sự kiện: gần giống với nội dung nêu trên nhưng thông tin bạn gửi sẽ lời mời tham dự một sự kiện cụ thể. Nếu sự kiện cùng lĩnh vực và có tính mới thì chắc chắn các cơ quan báo chí sẽ quan tâm và cử phóng viên tham dự. Dĩ nhiên, khi họ tới thì bạn nhớ lấy danh thiếp của họ và gửi thư cảm ơn qua hộp thư điện tử để kết nối lâu dài.

Tóm lại, báo chí và những người làm nội dung có sức ảnh hưởng thật sự cần thiết trong vòng tròn quan hệ của dân PR. Đúng nghĩa của từ “cọp”, họ mạnh mẽ, quyền lực và săn tin như săn … mồi. Nhưng vì đây là mối quan hệ tương hỗ để hai bên cùng làm tốt công việc và trách nhiệm xã hội của mình nên đừng ngần ngại, hãy kết nối và nhận lấy những điều thú vị trong mối quan hệ này. Nếu tự tin thử sức, một ngày nào đó, bạn sẽ thấy mình mạnh như… cọp.

21 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentarios


Cảm ơn bạn đã đọc bài viết. Nội dung mới sẽ được cập nhật vào thứ sáu hàng tuần. Bạn có thể chủ động quay lại xem hoặc để lại email, tôi sẽ gửi bạn thông tin khi có bài viết mới.

Tôi đã nhận được email của bạn. Cảm ơn bạn vì đã đồng ý kết nối.

bottom of page